MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bước tiến chiến lược trên con đường đổi mới chính trị Kazakhstan

Thanh Hà LDO | 12/04/2022 20:31
Thông điệp của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev được coi là một bước tiến chiến lược trên con đường đổi mới chính trị tại quốc gia Trung Á này.

Quan trọng như đường lối Đổi mới của Việt Nam

Trong cuộc gặp báo giới Việt Nam chiều 12.4 nhằm thông tin về các sự kiện diễn ra tại Kazakhstan đầu năm 2022 cũng như thông điệp của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev ngày 16.3.2022, Đại sứ Yerlan Baizhanov nhấn mạnh, "bản thông điệp này có tầm quan trọng tương đương với đường lối Đổi mới của Việt Nam" năm 1986.  

Về cơ bản, thông điệp  "Kazakhstan mới: Con đường mới và hiện đại hóa" mà Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev gửi tới người dân sau "thảm họa tháng Giêng" đã trình bày về một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển chính trị của đất nước. Đại sứ chỉ ra, những cải cách sắp tới sẽ có ảnh hưởng tới gần như tất cả các thiết chế chính trị hiện có.

Trước hết, thông điệp đã ra tuyên bố về việc đất nước chuyển đổi hoàn toàn từ mô hình quyền hành tập trung chủ yếu trong tay tổng thống sang mô hình cộng hòa tổng thống với một Quốc hội mạnh mẽ. Chức năng của Thượng viện Quốc hội (Senat) sẽ thay đổi đáng kể. Vị thế và vai trò của Hạ viện Quốc hội Mazhilis được nâng cao. Hệ thống bầu cử cấp địa phương cũng đang thay đổi...

Đại sứ Yerlan Baizhanov cũng chỉ ra, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã ra tuyên bố về việc tăng cường vai trò của các định chế xã hội dân sự, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và các nhà hoạt động trong việc xây dựng và triển khai các cải cách. Tất cả các đề án quốc gia và các văn kiện chiến lược sẽ được người dân thảo luận công khai. "Thông điệp đã đề cập tới một ý tưởng rất hay về truyền thống dân chủ lâu đời của dân tộc Kazakhstan" - Đại sứ lưu ý.

Ông cho biết, trong nhiều thế kỷ, người dân Kazakhstan du mục đã duy trì truyền thống tổ chức đại hội toàn quốc (kurrultay) tại miền Trung đất nước, nơi có dãy Ulytay (Dãy núi Vĩ Đại). Những ngọn núi mang tên Vĩ Đại bởi đây là nơi những quyết định mang tính chất sống còn với vận mệnh dân tộc Kazakhstan đã được thông qua. Đại diện của tất cả các dòng họ người Kazakhstan đã tụ họp tại đây để đưa ra các quyết định về chiến tranh hay hòa bình, về quy hoạch vùng chăn thả gia súc và các tuyến đường di chuyển trong quá trình di cư du mục, về việc giải quyết mâu thuẫn và xung đột giữa các dòng họ khác nhau. 

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov. Ảnh: Thanh Hà

"Tổng thống Tokayev đã quyết định khôi phục lại hình thức đối thoại xã hội mang tên Kurultay toàn quốc này. Tại diễn đàn này, các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trên toàn quốc sẽ có thể thảo luận những vấn đề quan trọng lên quan tới quá trình phát triển đất nước" - Đại sứ nhấn mạnh. 

Quyết liệt, cân nhắc kỹ càng

Đại sứ Yerlan Baizhanov cho hay: "Về tổng thể, thông điệp của tổng thống lần này có thể được coi là một bước tiến chiến lược trên con đường đổi mới chính trị tại Kazakhstan. Thông điệp rất quyết liệt nhưng cũng được cân nhắc kỹ càng, cho phép cải cách nhưng không làm lung lay thể chế chính trị hay làm mất kiểm soát tình hình". 

Nhà ngoại giao hàng đầu của Kazakhstan chỉ ra, thông điệp của tổng thống đã khẳng định chủ trương đẩy mạnh dân chủ trên cả nước. Những cải cách được đưa ra thực sự đã giúp hạn chế các quyền hạn quá mức của tổng thống, đồng thời tăng cường sức mạnh cho các cơ quan lập pháp cả ở cấp trung ương và địa phương.  

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam lưu ý: "Gói cải cách chính trị thứ năm được đưa ra trong thông điệp có quy mô và ý nghĩa lớn hơn nhiều so với 4 gói cải cách đầu. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là gói cải cách cuối cùng. Việc xây dựng một đất nước Kazakhstan mới đòi hỏi sẽ phải có thêm nhiều bước tiến quan trọng, bao gồm cả trong lĩnh vực kinh tế và xã hội". Ông cũng tiết lộ, dự kiến trong tháng 9 năm nay, Tổng thống Kazakhstan sẽ thông báo về những cải cách kinh tế. 

Trong cuộc gặp gỡ với báo giới, nói về tâm lý của người dân sau các sự kiện tháng 1 ở Kazakhstan, Đại sứ Yerlan Baizhanov nói rằng "dư luận xã hội đang rất sốt ruột", rất mong muốn thay đổi hệ thống cũ càng sớm càng tốt. Do đó, đang có mâu thuẫn giữa mong đợi của người dân với quá trình thực hiện cải cách. Ông nhấn mạnh lại rằng, các biện pháp đã được Kazakhstan cân nhắc kỹ càng nhằm cải cách nhưng không làm lung lay thể chế chính trị. 

Ngày 2.1.2022, tại miền Tây Kazakhstan nổ ra các cuộc biểu tình phản đối tăng giá bán lẻ khí đốt hóa lỏng. Tới 5.1, các cuộc biểu tình lan ra nhiều thành phố lớn và biến thành bạo động khiến tổng thống Kazakhstan ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn bộ lãnh thổ. Trước diễn biến tình hình, Kazakhstan đã kêu gọi các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) điều động lực lượng gìn giữ hòa bình tới hỗ trợ. Sau khi trật tự khôi phục ở Kazakhstan, các lực lượng CSTO đã rút quân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn