MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các đồng minh của Ukraina chia rẽ về cách kết thúc chiến sự với Nga

Ngọc Vân LDO | 14/06/2022 11:59
Các đồng minh của Ukraina đang đau đầu về việc sẽ kết thúc chiến sự Nga-Ukraina thế nào.

Đồng minh không đồng thuận

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Nên can dự với Tổng thống Nga Vladimir Putin để giải quyết cuộc xung đột hay cô lập ông? Liệu Kiev có nên nhượng bộ để kết thúc chiến tranh? Các biện pháp trừng phạt Nga có đáng so với thiệt hại bỏ ra? Các quan chức và nhà ngoại giao nói với Reuters, đây là một số câu hỏi đang gây chia rẽ trong các đồng minh của Ukraina về cách kết thúc chiến sự sau gần 4 tháng.

Khi các chính phủ phương Tây đối mặt với lạm phát và giá năng lượng ngày càng gia tăng, các quốc gia bao gồm Italia và Hungary đã kêu gọi ngừng bắn nhanh chóng. Điều đó có thể mở đường cho việc giảm bớt các lệnh trừng phạt và chấm dứt việc phong tỏa các cảng của Ukraina vốn đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đối với những người nghèo nhất thế giới.

Tuy nhiên, Ukraina, Ba Lan và các nước Baltic cảnh báo, Nga không đáng tin cậy và nói rằng một lệnh ngừng bắn sẽ cho phép nước này củng cố các chiến thắng lãnh thổ, tập hợp lại và phát động nhiều cuộc tấn công hơn nữa.

Một quan chức cấp cao của Ukraina nói với Reuters, người Nga đã "truyền miệng rằng đây sẽ là một cuộc chiến mệt mỏi, chúng ta nên ngồi lại và tìm kiếm sự đồng thuận".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông muốn Nga "suy yếu". Thủ tướng Anh Johnson Boris nói Ukraina "phải chiến thắng".

Đức và Pháp mơ hồ hơn, cho biết sẽ ưu tiên ngăn cản ông Putin chiến thắng hơn là đánh bại nhà lãnh đạo này, đồng thời ủng hộ các lệnh trừng phạt mới cứng rắn với Nga.

"Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có quay trở lại Chiến tranh Lạnh hay không. Đó là sự khác biệt giữa ông Biden, ông Johnson và chúng tôi" - một đồng minh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Reuters.

Sự chia rẽ có thể trở nên rõ rệt hơn khi các lệnh trừng phạt và chiến tranh gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến gây nguy cơ phản ứng dữ dội ở nội bộ các nước.

"Rõ ràng ngay từ đầu mọi chuyện sẽ ngày càng khó khăn hơn theo thời gian - sự mệt mỏi vì chiến tranh đang đến" - Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Ứng phó với Nga

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng không nên "làm bẽ mặt" Nga như đã làm với Đức năm 1918.

Ông Macron - giống như Thủ tướng Đức Olaf Scholz - đã duy trì liên lạc với Điện Kremlin, gây ra sự phản đối ở các quốc gia có chính sách cứng rắn hơn.

Thủ tướng Scholz cho biết các cuộc điện đàm của ông và Tổng thống Macron với Tổng thống Nga Vladimir Putin được sử dụng để truyền tải thông điệp chắc chắn và rõ ràng, đồng thời nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt Nga sẽ không chấm dứt trừ khi ông Putin rút quân và đồng ý với một thỏa thuận hòa bình mà Kiev có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao Pháp bày tỏ nghi ngại về lập trường của Tổng thống Macron, cho rằng lập trường này có nguy cơ khiến Ukraina và các đồng minh Đông Âu xa lánh.

Mặc dù biết ơn sự hỗ trợ của phương Tây, song Ukraina đã chỉ trích những đề xuất rằng họ nên nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy thỏa thuận ngừng bắn.

Trong khi đó, Mỹ phủ nhận có "sự khác biệt chiến lược" giữa các đồng minh về vấn đề Ukraina. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters rằng Washington đang làm việc cùng với các đồng minh để cung cấp vũ khí, hỗ trợ Ukraina, đồng thời trừng phạt Nga, xóa tan những nghi ngờ về sự thống nhất của các đồng minh. Theo người phát ngôn, mục tiêu là đưa Ukraina vào một vị trí vững chắc để đàm phán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn