MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: EPA

Chuyên gia dự đoán khả năng chống chịu lệnh trừng phạt kinh tế của Nga

Nguyễn Hạnh LDO | 02/03/2022 22:25

Các biện pháp trừng phạt tài chính của phương Tây gay gắt hơn so với năm 2014, nhưng nền kinh tế Nga có thể chống đỡ được chúng, theo các chuyên gia Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu đưa tin, Mỹ đã một lần nữa tăng cường siết chặt tài chính đối với Nga bằng cách đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, chỉ 2 ngày sau khi nước này cùng với một số đồng minh tuyên bố loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Động thái này nhằm gây áp lực lên Nga trong bối cảnh xung đột quân sự Nga-Ukraina. Các nước phương Tây đang dần nâng cấp các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga theo cách mà các chuyên gia gọi là "chưa từng có".

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các biện pháp đối phó của Nga, bao gồm việc sử dụng dự trữ tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC), có thể giúp nước này chống chịu được các lệnh trừng phạt. 

Bộ Tài chính Mỹ hôm 28.2 thông báo cấm công dân Mỹ tham gia vào các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, tương đương với việc đóng băng tài sản của ngân hàng này ở Mỹ. Ngoài ra, các biện pháp mới cũng sẽ nhằm vào Quỹ Tài sản Quốc gia của Liên bang Nga và Bộ Tài chính Liên bang Nga. 

Các nhà kinh tế thừa nhận các lệnh trừng phạt như vậy sẽ mang lại một số vấn đề cho thị trường tài chính của Nga, vốn đã có những biến động dữ dội trong những ngày gần đây. Sàn giao dịch chứng khoán của nước này, Moscow Exchange, đã đóng cửa trong tuần này.

Giáo sư kinh tế Lin Jiang tại Đại học Sun Yat-sen (Trung Quốc) nói rằng, tác động chính của vòng trừng phạt tài chính này đối với Nga là nước này sẽ không thể chuyển dự trữ ngoại hối gửi tại các ngân hàng ở nước ngoài vào Nga.

Theo giáo sư Lin, nếu đồng rúp giảm sâu, các nhà đầu tư dù trong nước hay nước ngoài đều sẽ sợ hãi, khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Nga và gây ra rủi ro lạm phát.

Dữ liệu do Xu Wenhong từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cung cấp cho thấy, tính đến cuối ngày 18.2, Ngân hàng Trung ương Nga có khoảng 643 tỉ USD dự trữ ngoại hối, trong đó 311 tỉ được lưu trữ dưới dạng chứng khoán ở nước ngoài, trong khi 152 tỉ được gửi vào các ngân hàng ở nước ngoài. Dự trữ vàng của Nga cũng đang ở mức 132 tỉ USD.

"Nếu Mỹ và EU đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga, sẽ làm giảm khả năng của Nga trong việc can thiệp vào tỉ giá hối đoái của đồng rúp thông qua dự trữ ngoại hối và đồng rúp có thể phải đối mặt với một đợt giảm nữa", Xu Wenhong nói. 

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định Nga có cách riêng để đối phó với những thách thức như vậy và các nền tảng kinh tế của nước này khó có thể bị lung lay do hậu quả của các lệnh trừng phạt tài chính.

Nga từng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt tài chính tương tự trước đây vào năm 2014. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga khi đó không bị suy yếu nhờ tung ra nhiều biện pháp đối phó khác nhau. Theo các chuyên gia, vòng trừng phạt tài chính mới chỉ là một "bản nâng cấp" những gì các nước phương Tây đã làm trước đây và Nga có thể vượt qua.

Nga cũng đã thực hiện một số phương pháp đối phó. Điện Kremlin gần đây đã ra lệnh cấm công dân Nga không được gia hạn các khoản vay nước ngoài bằng tiền mặt và không được chuyển ngoại tệ vào tài khoản hoặc gửi tiền tại các ngân hàng nước ngoài.

Truyền thông Nga gần đây đã dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho hay, nhờ hệ thống nhắn tin tài chính SPFS của riêng Nga - thứ thay thế SWIFT - cơ sở hạ tầng tài chính của Nga sẽ hoạt động trơn tru trong môi trường hiện tại.

Ngân hàng Trung ương Nga cũng tăng gấp đôi lãi suất cơ bản của nước này lên 20% từ mức 9,5%. Chính sách này dường như đã có hiệu quả trong việc ổn định tiền tệ, khi đồng rúp tăng giá so với đồng bạc xanh vào ngày 1.3.

Nhà nghiên cứu Chen Jia thuộc Viện Tiền tệ Quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, một phương pháp mà Nga có thể áp dụng là sử dụng CBDC để vượt qua hệ thống thanh toán do Mỹ dẫn đầu.

Chen Jia lưu ý, Nga sẽ xem xét độ tin cậy của các lệnh trừng phạt của Mỹ, vì việc đẩy Nga ra khỏi SWIFT sẽ có tác động nghiêm trọng đến các nước thành viên khác, đồng thời nuôi dưỡng các đối thủ cạnh tranh với SWIFT.

Song Kui - lãnh đạo Viện Nghiên cứu Kinh tế Khu vực Trung - Nga đương đại - cũng nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, các nguồn tài nguyên dồi dào của Nga có thể hỗ trợ nền kinh tế của nước này đối mặt với những thách thức bên ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn