MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: AFP

Cựu Tổng thống Nga cảnh báo không thể loại trừ nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Thanh Hà LDO | 04/06/2022 11:46

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo không thể loại trừ nguy cơ chiến tranh hạt nhân. 

Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev nói rằng, “không ai được quên” về các tình huống có thể buộc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng cũng nhấn mạnh rằng “không ai muốn chiến tranh hạt nhân”.

Trong cuộc phỏng vấn với Al Jazeera, ông Dmitry Medvedev, hiện đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, chia sẻ: "Khi mọi người nói rằng điều gì đó là không thể bởi vì nó không bao giờ có thể xảy ra, họ đã luôn luôn sai". Ông lưu ý, thế giới từng chứng kiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Đề cập đến học thuyết hạt nhân của Nga, ông Medvedev chỉ ra, tổng tư lệnh (tổng thống) Nga có thể ra lệnh tấn công hạt nhân trong một số tình huống như Nga hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này bị tấn công hạt nhân.

“Hoặc có thể có một lý do khác - trong trường hợp Nga bị tấn công bằng vũ khí thông thường, nhưng cuộc tấn công này có tính chất đe dọa đến sự tồn tại của đất nước. Không ai được quên điều này" - cựu Tổng thống Medvedev cảnh báo.

Quan chức Nga kêu gọi các quốc gia khác đưa ra quyết định khi tính tới tất cả các tình huống thực tế. Ông cũng nhấn mạnh "không ai muốn một cuộc chiến tranh hạt nhân”.

Cựu Tổng thống Nga Medvedev nhấn mạnh, kịch bản này "là ngõ cụt, là ngày tàn của nhân loại" và tất cả những gì chúng ta phải làm gì đó để ngăn chặn tấn công hạt nhân không bao giờ xảy ra trên Trái đất. 

Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo, rủi ro chiến tranh hạt nhân “khá đáng kể”.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina hồi cuối tháng 2, quan hệ giữa Mátxcơva và phương Tây đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử hiện đại.

Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và đồng minh việc gửi thêm vũ khí tới Ukraina có thể dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. 

Trong tuần này, Kiev đã xác nhận sẽ nhận được nhiều bệ phóng tên lửa HIMARS từ Washington. Những hệ thống này có khả năng phóng tên lửa phòng không có tầm bắn khoảng 30km nhưng cũng có khả năng triển khai các tên lửa đạn đạo chiến thuật có tầm bắn lên tới 300km. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn