MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất mới của WHO về vaccine tăng cường cho trẻ dưới 12 tuổi

Anh Vũ LDO | 22/01/2022 06:34
WHO đã đưa ra đề xuất giảm liều lượng vaccine tăng cường để tiêm phòng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 21.1 đã đề xuất giảm liều lượng vaccine Pfizer để tiêm phòng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Reuters đưa tin.

Đề xuất này được đưa ra sau khi Nhóm Chuyên gia Tư vấn Chiến lược về tiêm chủng của WHO tổ chức một cuộc họp vào ngày 19.1 để đánh giá tác dụng của vaccine. Hiện tại, vaccine tăng cường được khuyến khích để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên.

Giám đốc phụ trách vaccine của WHO - Kate O'Brien - cho biết, không có lo ngại về an toàn nào được đưa ra khi tiêm vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi trong các thử nghiệm lâm sàng.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị liều tăng cường của Pfizer chỉ dành cho một số nhóm ưu tiên nhất định và họ không tán thành việc tiêm mũi vaccine này một cách "không được kiểm soát" ở mọi lứa tuổi.

“Chúng tôi chỉ đơn giản là chưa có bằng chứng về sự cần thiết hoặc hiệu suất của mũi tiêm tăng cường ở trẻ em dưới 12 tuổi” - bà O'Brien cho hay.

Liều lượng khuyến cáo khi sử dụng vaccine cho nhóm tuổi này là 10 microgam thay vì 30 microgam đang được tiêm cho cho những người từ 12 tuổi trở lên. Các mũi vaccine Pfizer/BioNTech đã được cấp phép để sử dụng cho nhóm tuổi này ở một số quốc gia bao gồm Mỹ, Canada, Israel và Liên minh Châu Âu.

"Nhóm tuổi này nằm trong nhóm ưu tiên tiêm chủng thấp nhất, ngoại trừ trẻ em mắc bệnh đồng mắc" - Chủ tịch SAGE Alejandro Cravioto cho biết tại một cuộc họp.

Nhóm chuyên gia cũng khuyến nghị nên sử dụng các liều vaccine tăng cường của vaccine Pfizer từ 4 đến 6 tháng sau mũi thứ hai ở các nhóm ưu tiên như người lớn tuổi và nhân viên y tế. Các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng từ trung bình đến cao nên ưu tiên dự trữ vaccine để đạt được tỉ lệ bao phủ liều tăng cường ở các nhóm rủi ro hơn là sử dụng chúng cho các nhóm có nguy cơ thấp hơn.

“Việc tăng tỉ lệ bao phủ liều tăng cường cho các nhóm rủi ro cao thường sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và tử vong nhiều hơn so với việc sử dụng chúng để tăng tỉ lệ bao phủ tiêm chủng chính” - ông Cravioto nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn