MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đức chuẩn bị pháo tăng vận chuyển tới Lithuania tại căn cứ Bundeswehr ở Munster, Đức, ngày 14.2.2022. Ảnh: AP

Đức bất ngờ thay đổi chiến thuật cung cấp vũ khí cho Ukraina

Song Minh LDO | 15/03/2022 08:00
Đức sẽ giữ bí mật các lô hàng vũ khí cung cấp cho Ukraina vì lý do an ninh.

AP dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Đức Wolfgang Buechner nói với báo giới hôm 14.3 rằng, Đức sẽ không tiết lộ chi tiết về các lô hàng vũ khí gửi đến Ukraina. Chính sách giữ bí mật sẽ mở rộng sang việc ngừng phát trực tiếp (livestream) từ các đường cao tốc của Đức và được đưa ra sau khi Nga cho biết họ sẽ coi các chuyến hàng vũ khí của phương Tây vào Ukraina là “mục tiêu hợp pháp”.

Phát ngôn viên Buechner cho hay theo chính sách mới, Đức sẽ không nói rõ loại vũ khí nào đang được chuyển cho Ukraina hoặc làm thế nào để “tránh rủi ro an ninh”. 

Phát biểu trong cùng cuộc họp báo hôm 14.3, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Arne Collatz cho biết thêm, “mục tiêu của Nga là cắt các tuyến đường tiếp tế của Ukraina và khiến cho việc phòng thủ trở nên khó khăn hơn, và chúng tôi không muốn tạo điều kiện cho điều này”.

Bộ Giao thông Vận tải Đức cũng tắt nguồn cung cấp dữ liệu trực tiếp từ camera trên các đường cao tốc của Đức vì lý do an ninh, có lẽ là để ngăn Nga theo dõi các đoàn xe vũ khí trước khi chúng rời Đức.

Mặc dù ban đầu Đức từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraina, song nước này đã đảo ngược lệnh cấm bán vũ khí cho Kiev vào cuối tháng 2 và gửi hàng nghìn tên lửa chống tăng và phòng không cho quân đội Ukraina. Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz cũng ủy quyền cho Hà Lan và Estonia gửi vũ khí do Đức sản xuất đến Kiev.

Đức là một trong nhiều quốc gia NATO cung cấp vũ khí cho Ukraina, trong khi EU cũng đã có động thái mua sắm vũ khí chưa từng có cho chính phủ thân phương Tây ở Kiev.

Trong bối cảnh dòng vũ khí nước ngoài tràn vào Ukraina, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo Mỹ hôm 12.3, “việc bơm vũ khí từ một số quốc gia mà Mỹ điều phối không chỉ là một động thái nguy hiểm, mà là hành động khiến các đoàn xe đó trở thành mục tiêu hợp pháp”.

Mặc dù Nga chưa tấn công bất kỳ đoàn vận tải vũ khí nào, nhưng cách tiếp cận bí mật hơn của Đức trong tương lai cho thấy khả năng này đang được xem xét một cách nghiêm túc ở Berlin.

Các vũ khí phương Tây và tình nguyện viên nước ngoài cho quân đội Ukraina thường xuyên qua biên giới dài 535km với Ba Lan, vì Hungary đã cấm vận chuyển vũ khí tới Ukraina. Trong khi miền Tây Ukraina nằm dưới sự kiểm soát của Ukraina và được coi là pháo đài phương Tây, Nga đã chứng tỏ khả năng tấn công sâu vào khu vực này, tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào một trung tâm huấn luyện của NATO cách biên giới Ba Lan khoảng vài chục kilomet hôm 13.3.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn