MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đức có thể kích hoạt giai đoạn báo động khẩn cấp về khí đốt. Ảnh: AFP

Đức cận kề giai đoạn báo động khẩn cấp về khí đốt

Ngọc Vân LDO | 22/06/2022 19:09
Đức chuẩn bị bước vào giai đoạn báo động khẩn cấp về khí đốt, theo tờ Die Welt.

Đức đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thứ hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt trong vòng 5 đến 10 ngày tới - tờ Die Welt trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết hôm 21.6.

Cái gọi là “giai đoạn báo động” được kích hoạt khi “nguồn cung cấp khí đốt bị gián đoạn hoặc nhu cầu khí đốt đặc biệt cao dẫn đến tình hình cung cấp khí đốt xấu đi đáng kể, nhưng thị trường vẫn có thể đối phó với sự gián đoạn này mà không cần thực hiện các biện pháp phi thị trường” - theo kế hoạch ba giai đoạn của Bộ Kinh tế Đức.

Hiệp hội Công nghiệp Nước và Năng lượng Liên bang từ chối xác nhận hoặc phủ nhận liệu có thực hiện bước tiếp theo của kế hoạch khẩn cấp hay không khi Die Welt yêu cầu bình luận.

Cơ quan quản lý khí đốt Bundesnetzagentur gần đây đã phác thảo chi tiết về hệ thống đấu giá sẽ được đưa ra trong những tuần tới, nhằm mục đích giảm tiêu thụ khí đốt giữa các nhà sản xuất. Người đứng đầu cơ quan này đã bày tỏ quan ngại về việc liệu nguồn cung khí đốt hiện tại có giúp Đức đi qua mùa đông sắp tới hay không. Trong khi đó, giám đốc điều hành của công ty năng lượng lớn nhất của Đức, Markus Krebber, ám chỉ về một viễn cảnh tồi tệ bơi "hiện tại không có kế hoạch ở cấp Châu Âu để phân phối lại khí đốt nếu Berlin bị cắt hoàn toàn nguồn cung”.

Nếu giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt được áp dụng, các biện pháp này sẽ cho phép các công ty tiện ích đẩy quả bóng giá khí đốt cho người tiêu dùng. Mặc dù không rõ mức độ tăng giá đó sẽ cao đến mức nào, nhưng một nguồn tin cho rằng một hộ gia đình trung bình ba người có thể phải đối mặt với mức tăng lên tới 2.000 euro.

Giá khí đốt và giá xăng dầu đã tăng vọt trong những tháng gần đây sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina, khiến EU áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Mátxcơva. Tuy nhiên, trong khi các biện pháp này nhằm trừng phạt Nga về mặt kinh tế, thì chúng lại có tác dụng ngược, ngày càng ảnh hưởng đến các gia đình Châu Âu. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy cứ sáu người Đức thì có một người bỏ bữa để tiết kiệm chi tiêu. 

Gazprom cắt 60% khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream. Ảnh: AFP

Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp mới được đưa ra vào tuần trước sau khi tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cắt 60% lượng khí đốt cung cấp cho Đức. Trong khi Berlin nhấn mạnh quyết định của tập đoàn Nga mang “động cơ chính trị", thì Mátxcơva giải thích: "Đơn giản là không có gì để bơm”.

Gazprom cho biết không thể duy trì cung cấp khí đốt một cách an toàn qua đường ống Nord Stream 1 nếu không có tuabin mà công ty Đức Siemens Energy gửi đến Canada để sửa chữa nhưng không được trả lại, viện dẫn lý do vi phạm lệnh trừng phạt.

"Đây là một cuộc khủng hoảng nhân tạo do EU tạo ra" - RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 20.6. “Chúng tôi có khí đốt, nó đã sẵn sàng để được giao, nhưng người Châu Âu phải trả lại thiết bị và sửa chữa thiết bị theo đúng cam kết”.

Nếu giai đoạn cuối của kế hoạch khí đốt khẩn cấp ở Đức được kích hoạt, nhà nước sẽ được giao trách nhiệm phân phối khí đốt. Theo Bộ Kinh tế Đức, điều này sẽ xảy ra nếu có "nhu cầu về khí đặc biệt cao, nguồn cung cấp khí bị gián đoạn đáng kể hoặc tình hình cung cấp tồi tệ khác, và trong trường hợp tất cả các biện pháp dựa trên thị trường liên quan đã được thực hiện, nhưng nguồn cung khí đốt không đủ để đáp ứng nhu cầu, nên các biện pháp phi thị trường cần phải được thực hiện, đặc biệt để đảm bảo cung cấp khí đốt cho các khách hàng được bảo vệ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn