MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đức lo bị thất thế khi Ukraina gia nhập EU

Khánh Minh LDO | 04/07/2022 07:37

Đức lo ngại ảnh hưởng của nước này trong Liên minh Châu Âu sẽ bị suy yếu nếu Ukraina chính thức gia nhập EU.

Đức muốn sửa đổi luật bỏ phiếu của EU để tước đi đòn bẩy tiềm năng của Ukraina, bởi Đức lo ngại rằng nếu Ukraina trở thành thành viên chính thức của EU, ảnh hưởng của Berlin trong Liên minh Châu Âu sẽ bị suy giảm - tờ The Daily Telegraph trích dẫn một nguồn tin ngoại giao cấp cao cho hay.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như đã thảo luận vấn đề này với các nhà lãnh đạo EU ở Brussels sau những cánh cửa đóng kín. Theo nguồn tin của The Daily Telegraph, Thủ tướng Olaf Scholz đã thúc giục một cuộc đại tu hệ thống hiệp ước EU trước khi chấp thuận tư cách thành viên của Ukraina.

Trọng tâm của mối quan ngại là hệ thống bỏ phiếu của EU dựa trên số lượng các quốc gia bỏ phiếu và dân số tương ứng của họ - một thực tế sẽ mang lại cho Ukraina một đòn bẩy mạnh mẽ trong khối. Hơn nữa, theo phân tích của Viện Quốc tế và An ninh Đức, nếu Kiev gia nhập EU, Kiev sẽ là thành viên lớn thứ 5 nhưng cũng là thành viên nghèo nhất.

Cũng có khả năng Ukraina có thể tập hợp với Ba Lan hoặc các quốc gia Đông và Trung Âu khác để đối trọng với các quốc gia cốt lõi của EU như Đức và Pháp.

“Điều này sẽ khiến cán cân quyền lực trong EU chuyển trọng tâm từ Đức và Pháp sang Trung và Đông Âu - và các quốc gia này, cùng với Bắc Âu, lần đầu tiên sẽ trở thành một khối lớn hơn về quyền biểu quyết” - Tiến sĩ Nicolai von Ondarza, thuộc Viện Quốc tế và An ninh Đức, nói với The Telegraph.

Với suy nghĩ đó, nhà lãnh đạo Đức được cho là có kế hoạch cải tổ hệ thống bỏ phiếu của EU theo cách nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của các phe phái quyền lực khác nhau trong liên minh để lấy thêm tiền từ các nước láng giềng Tây Âu giàu có của họ. Theo nguồn tin này, Thủ tướng Scholz cũng muốn từ bỏ quyền phủ quyết của quốc gia.

Vào cuối tháng 6, EU đã trao quy chế ứng cử viên cho Ukraina - động thái được nhiều người coi là một cử chỉ "mang tính biểu tượng" trong bối cảnh quốc gia này đang diễn ra xung đột với Nga.

“Điều này không có nghĩa là Ukraina sẽ sớm là một phần của Liên minh Châu Âu. Đó là một quá trình kéo dài nhiều năm với rất nhiều cải cách vô cùng khó khăn, nhưng đối với chúng tôi, điều quan trọng là phải đưa ra một tín hiệu biểu tượng mạnh mẽ” - Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết vào thời điểm đó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cảnh báo rằng Ukraina có thể mất nhiều thập kỷ nữa mới có thể trở thành thành viên chính thức của EU. Khoảng thời gian này chủ yếu để Ukraina thực thi một loạt các cải cách kinh tế, dân chủ và chống tham nhũng, để đủ điều kiện gia nhập EU.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn