MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Đức nói Châu Âu vẫn cần dầu khí Nga. Ảnh: Getty

Đức sốt sắng ngăn trừng phạt dầu khí Nga

Khánh Minh LDO | 08/03/2022 09:38

Thủ tướng Đức cảnh báo về việc cấm nhập khẩu dầu khí Nga, nói rằng Châu Âu cần nguồn năng lượng này.

Bất chấp việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 7.3 cho biết Châu Âu cần tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, thứ mà ông cho là “cần thiết” cho an ninh năng lượng của lục địa này.

“Hiện tại, nguồn cung cấp năng lượng cho hệ thống sưởi, giao thông, cung cấp điện và sản xuất công nghiệp của Châu Âu không thể được đảm bảo bằng bất kỳ cách nào khác ngoài việc nhập khẩu từ Nga. Do đó, nó có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp các dịch vụ công và cuộc sống hàng ngày của công dân chúng ta” - RT dẫn tuyên bố chính thức từ văn phòng của Thủ tướng Scholz cho hay.

Đức phụ thuộc vào Nga khoảng 55% tổng nguồn cung khí đốt, trong khi EU nhập khẩu hơn một nửa tổng sản phẩm năng lượng. Trong số các mặt hàng nhập khẩu này, Nga cung cấp 41% khí đốt, 46% than và 27% dầu.

Do đó, EU đã miễn cưỡng trừng phạt năng lượng Nga để đáp lại cuộc xung đột ở Ukraina, ngay cả khi đang tấn công Mátxcơva với những biện pháp hạn chế chưa từng có, đóng cửa không phận đối với các chuyến bay của Nga, cấm truyền thông Nga và cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Đối với Đức, việc đảm bảo dòng chảy liên tục của dầu và khí đốt thậm chí còn quan trọng hơn. Khoản đầu tư của Đức vào năng lượng gió đã không cung cấp đủ năng lượng để bù đắp cho việc đóng cửa nhà máy than và ba nhà máy hạt nhân cuối cùng của nước này dự kiến ​​vào cuối năm nay.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 được thiết lập để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Đức bằng khí đốt tự nhiên giá rẻ từ Nga, đã hoàn thành nhưng Berlin đã hủy bỏ chứng nhận để đáp trả việc Nga tấn công Ukraina.

Đức đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Hôm 5.3, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck thông báo rằng nước này sẽ xây dựng hai cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để nhập khẩu từ các nhà cung cấp như Mỹ. Trong khi đó, Đức đã vượt các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch năm 2030 của EU, trong đó kêu gọi 32% tổng năng lượng được tạo ra từ các nguồn tái tạo.

“Chính phủ Đức đã làm việc chăm chỉ trong nhiều tháng với các đối tác trong Liên minh Châu Âu và hơn thế nữa để phát triển các giải pháp thay thế cho năng lượng của Nga. Tuy nhiên, việc này không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Đó là lý do tại sao việc tiếp tục hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp năng lượng với Nga là một quyết định có ý thức từ phía chúng tôi” - Thủ tướng Scholz tuyên bố.

EU đang nhắm trừng phạt vào các cảng và tàu của Nga. Ảnh: Getty

Trong khi đó, Liên minh Châu Âu EU đang hoàn tất vòng trừng phạt mới nhắm vào Nga - Bloomberg đưa tin. Các biện pháp trừng phạt mới có thể nhắm vào các cảng và tàu của Nga, cũng như ảnh hưởng đến các công nghệ được sử dụng trong thiết bị quân sự của nước này.

Ngoài ra, danh sách những người bị trừng phạt có thể được mở rộng. Một số biện pháp có thể được đưa ra sớm nhất là vào ngày 8.3.

EU cũng được cho là đang nỗ lực tăng cường toàn bộ kế hoạch thực thi các biện pháp trừng phạt, bao gồm hạn chế việc Nga có thể sử dụng tiền điện tử để lách các biện pháp này.

Cuối tuần qua, Mỹ cho biết đang xem xét một dự luật cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng của Nga. Tuy nhiên, EU đã tỏ ra nghi ngờ về bước đi quyết liệt này, với việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz "hãm phanh" các cuộc thảo luận về việc cấm nhập khẩu năng lượng của Nga.

Ngày 24.2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. Nhiều quốc gia phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga, chủ yếu nhắm vào các ngân hàng Nga, công ty nhập khẩu công nghệ cao và một số quan chức chính phủ và doanh nhân. 

Tuy nhiên, cho đến nay không có hạn chế nào được áp dụng đối với xuất khẩu từ Nga, bao gồm cả xuất khẩu các sản phẩm năng lượng - dầu và khí đốt. Nhiều người lo ngại sự thiếu hụt nhiên liệu trên thị trường toàn cầu có thể đẩy giá cả và lạm phát lên cao hơn nữa, vốn đã cao kỷ lục ở nhiều quốc gia trên toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn