MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vladimir Putin ký tên vào một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở Vladivostok năm 2011. Ảnh: AFP

EU chia rẽ về cấm vận dầu khí Nga

Khánh Minh LDO | 22/03/2022 16:56
Việc cấm vận dầu khí Nga đang gây chia rẽ trong các nước thành viên Liên minh Châu Âu mặc dù EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sâu rộng.

EU và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng với Nga, bao gồm cả việc đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối của ngân hàng trung ương nước này. Nhưng việc nhắm mục tiêu vào xuất khẩu năng lượng của Nga - như Mỹ và Anh đã làm - là một lựa chọn gây chia rẽ đối với 27 quốc gia EU, vốn phụ thuộc chặt chẽ vào Nga về dầu mỏ, khí đốt và than đá.

Một số nước muốn EU tiến xa hơn đã tỏ ra thiếu kiên nhẫn trước tốc độ đàm phán sau cuộc họp của các Ngoại trưởng EU tại Brussels hôm 21.3. "Tại sao Châu Âu cho Nga thêm thời gian để kiếm thêm tiền từ dầu khí, thêm thời gian để sử dụng các cảng của Châu Âu? Đã đến lúc trừng phạt Nga" - Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis viết trên Twitter.

Trong khi đó, Đức và Hà Lan cho biết EU phụ thuộc vào dầu khí của Nga và không thể chấm dứt ngay bây giờ. Về tổng thể, 27% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt tiêu dùng tại Châu Âu là nhập khẩu từ Nga, trong đó cường quốc kinh tế số 1 Châu Âu là Đức nhập 55% lượng khí đốt tự nhiên, 52% lượng than và 34% dầu từ Nga. 

"Câu hỏi về lệnh cấm vận dầu mỏ không phải là vấn đề chúng ta muốn hay không muốn, mà là vấn đề chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ như thế nào" - Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu với báo giới. Bà nói thêm rằng Đức đang nhập khẩu rất nhiều dầu của Nga, nhưng cũng có các quốc gia thành viên khác không thể ngừng nhập khẩu dầu ngay lập tức.

Nhiều nước Châu Âu chưa muốn cấm ngay dầu mỏ và khí đốt của Nga. Ảnh: AFP/Getty

Cao uỷ EU Josep Borrell cho biết trong họp báo rằng mặc dù EU sẽ "tiếp tục cô lập Nga", nhưng các quyết định cụ thể sẽ được đưa ra sau đó. Một số nhà ngoại giao hy vọng vào tháng 6, EU sẽ tìm thấy đủ nguồn năng lượng thay thế để xem xét nghiêm túc lệnh cấm vận dầu của Nga. Tuy nhiên, không có ngày nào được thống nhất và các quốc gia EU khác nhau có các mục tiêu khác nhau.

Trong khi các nước Baltic muốn có lệnh cấm vận dầu mỏ, Đức và Italia, những nước phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đang phản đối vì giá năng lượng vốn đã cao. Các lệnh trừng phạt đối với than đá là ranh giới đỏ đối với một số nước, bao gồm Đức, Ba Lan và Đan Mạch.

Bản thân Nga cũng cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt như vậy có thể khiến nước này phải đóng đường ống dẫn khí đốt tới Châu Âu.

Các nhà ngoại giao cho biết các biện pháp trừng phạt tiềm năng khác cũng đang được thảo luận, bao gồm bổ sung tên mới vào danh sách trừng phạt, ngăn chặn tàu thuyền Nga cập cảng EU và loại thêm nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Tất cả những chủ đề này sẽ được các nguyên thủ Châu Âu tiếp tục thảo luận, có thể là ngay trong ngày 24.3 tại hội nghị thượng đỉnh EU và hội nghị thượng đỉnh NATO, với sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn