MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kho dầu của tập đoàn năng lượng đa quốc gia Lukoil của Nga ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Getty

EU giải thích lý do ngỡ ngàng việc vẫn mua dầu của Nga

Song Minh LDO | 24/05/2022 19:18
Liên minh Châu Âu EU cho đến nay vẫn tiếp tục mua dầu của Nga mặc dù có ý định cấm nhập khẩu mặt hàng này.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các quốc gia EU tiếp tục mua dầu của Nga mặc dù đã cam kết cắt giảm hoàn toàn sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Lý do ngỡ ngàng mà bà von der Leyen đưa ra là không để cho Nga bán dầu ở nơi khác với giá cao hơn.

Lời giải thích được đưa ra sau khi người dẫn chương trình MSNBC Mika Brzezinski trong cuộc phỏng vấn hôm 23.5 đã hối thúc bà Ursula von der Leyen giải thích tại sao EU không áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn dầu thô của Nga.

Bà von der Leyen đảm bảo với Brzezinski rằng, mục tiêu dài hạn của EU là ngừng mua nhiên liệu hóa thạch của Nga và thay thế chúng bằng năng lượng tái tạo hoặc khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) do Mỹ cung cấp. Bà nói, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phạm sai lầm khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina, vì ông “mất đi khách hàng thân thiết nhất của mình là Châu Âu”.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ quay lại” - bà von der Leyen nói.

Người dẫn chương trình truyền hình nêu câu hỏi liệu lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ Nga có phải là “cách hiệu quả nhất để cho nhà lãnh đạo Nga thấy rằng ông đã phạm phải một thất bại chiến lược hay không”. Bà von der Leyen cho biết EU phải tìm ra “sự cân bằng phù hợp” giữa việc làm tổn thương Nga bằng các biện pháp trừng phạt và không làm tổn thương chính mình quá nhiều trong quá trình này.

EU vẫn mua dầu của Nga để ngăn cản Nga bán ra thị trường khác với giá cao hơn. Ảnh: Getty

“Nếu chúng tôi ngay lập tức không mua dầu nữa, chẳng hạn từ hôm nay, Nga có thể đưa loại dầu không bán cho Liên minh Châu Âu ra thị trường thế giới. Ở đó giá sẽ tăng lên, và Nga bán được với giá cao hơn, có thêm kinh phí cho chiến dịch quân sự ở Ukraina” - bà von der Leyen giải thích.

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu thừa nhận rằng phần còn lại của thế giới phải tham gia cùng với Mỹ và các đồng minh tránh xa Nga, nếu không các biện pháp trừng phạt sẽ không có hiệu quả trong tương lai. Cho đến nay, một phần lớn của nền kinh tế toàn cầu, bao gồm các nước tiêu thụ năng lượng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, đã từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga.

Bà von der Leyen cho biết mối quan hệ năng lượng giữa EU và Nga là “đặc biệt” và thế giới đang theo dõi chặt chẽ xem EU có giành chiến thắng trong cuộc chiến kinh tế chống lại Nga hay không.

Nga đã phát động chiến dịch quân sự vào Ukraina từ ngày 24.2 sau khi cho rằng Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu vào năm 2014, khiến Mátxcơva cuối cùng phải công nhận độc lập của các nước cộng hòa Donbass là Donetsk và Lugansk. Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai quy chế đặc biệt ở Ukraina.

Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.

Các quốc gia phương Tây đáp trả chiến dịch của Nga ở Ukraina bằng một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm tổn hại nền kinh tế nước này, và bằng cách mở rộng quân đội mà không tham gia vào cuộc chiến trực tiếp chống lại quân đội Nga ở Ukraina. 

Các nước thành viên EU đã nhất trí về việc cắt giảm than và dầu thô của Nga, nhưng vẫn chưa đồng thuận được gói trừng phạt thứ 6 do một số nước không đồng ý cấm vận dầu của Nga.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn