MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà lãnh đạo G7 tại một cuộc ăn tối làm việc ở Kruen, gần Garmisch-Partenkirchen, Đức ngày 26.6. Ảnh chụp màn hình

G7 công bố dự án đầu tư hạ tầng khủng trị giá 600 tỉ USD

Thanh Hà LDO | 27/06/2022 13:03
Đối tác G7 về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) - mà các nước thành viên G7 đặt mục tiêu huy động chung 600 tỉ USD vào năm 2027 -  đã chính thức khởi động bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức ngày 26.6.  

Sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn mới của G7 được xem như đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Sáng kiến này được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác "Build Back Better World" đã được nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Carbis Bay, Anh, theo Nikkei. Các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng hiện có ở các quốc gia thành viên cũng sẽ được bảo trợ theo sáng kiến mới này. 

Các nhà lãnh đạo phương Tây đang thúc đẩy PGII dựa trên các giá trị dân chủ về tính minh bạch, toàn diện và bền vững, nhấn mạnh sáng kiến nhằm huy động lượng lớn vốn tư nhân từ các nền dân chủ công nghiệp hóa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 26.6: "Chúng tôi đang cung cấp những phương án tốt hơn cho các quốc gia và để mọi người trên thế giới đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng giúp cải thiện cuộc sống - cuộc sống của họ, cuộc sống của tất cả chúng ta - và mang lại lợi ích thực sự cho tất cả người dân, không chỉ cho G7, mà tất cả người dân chúng ta". 

G7 đang hợp tác với Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam để hướng tới các quan hệ đối tác sẽ cung cấp tài chính nhằm hỗ trợ quá trình khử carbon và hướng tới những nguồn năng lượng sạch hơn.

"Trong nỗ lực chung với các đối tác G7, chúng tôi đang hướng đến việc xây dựng thêm các thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam” - Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói. Đức đang đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của G7 trong năm 2022. 

JETP đầu tiên - được Nam Phi, Liên minh Châu Âu và các thành viên G7 là Pháp, Đức, Anh và Mỹ nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc - nhằm hỗ trợ các nỗ lực khử carbon của Nam Phi trong dài hạn, tập trung vào quá trình chuyển đổi bao trùm và công bằng, nhằm phát triển các cơ hội kinh tế mới. Sáng kiến ban đầu cam kết huy động 8,5 tỉ USD trong vòng 3-5 năm.

Theo Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ đứng thứ 3 và Indonesia đứng thứ 7 trên thế giới về tổng lượng phát thải khí nhà kính theo quốc gia, dù lượng khí thải CO2 trên đầu người của những nước này thấp hơn nhiều so với các nước giàu dầu mỏ và các nước công nghiệp phát triển.

Trong 5 năm tới, Nhật Bản đặt mục tiêu hơn 65 tỉ USD hỗ trợ cơ sở hạ tầng và huy động vốn khu vực tư nhân, Thủ tướng Kishida nêu tại lễ khởi động PGII ngày 26.6. 

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chỉ ra, "sự phát triển của cơ sở hạ tầng chất lượng cũng rất quan trọng với việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". 

Với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, "chúng tôi sẽ làm việc với các tuyến đường sắt và sân bay góp phần kết nối khu vực, hoặc phát triển các cảng cho an ninh hàng hải và củng cố an ninh kinh tế, bao gồm cả an ninh mạng", ông nói.

Năm 2017, Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết, Châu Á đang phát triển cần đầu tư 26 nghìn tỉ USD từ năm 2016 đến năm 2030, tương đương 1,7 nghìn tỉ USD mỗi năm, để duy trì đà tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn