MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Ảnh cắt từ video Bộ Quốc phòng Nga

IAEA lo ngại nhà máy hạt nhân Chernobyl chuyển biến xấu

Ngọc Vân LDO | 09/03/2022 19:18
IAEA bày tỏ lo ngại về tình hình tồi tệ hơn ở nhà máy hạt nhân Chernobyl, đồng thời kêu gọi Nga cho phép luân chuyển nhân viên vì việc nghỉ ngơi và thay ca thường xuyên là yếu tố quan trọng đối với sự an toàn của cơ sở này.

AFP dẫn thông tin của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 8.3 cho biết, nhà máy điện hạt nhân Chernobyl mất kết nối dữ liệu tới cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc. IAEA cũng bày tỏ lo ngại đối với các nhân viên làm việc dưới sự kiểm soát của Nga tại cơ sở hạt nhân này.

Vào ngày 24.2, Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraina và chiếm giữ nhà máy Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986 khiến hàng trăm người thiệt mạng và lây lan ô nhiễm phóng xạ về phía tây Châu Âu.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi chỉ ra rằng "việc truyền dữ liệu từ xa từ các hệ thống giám sát bộ phận an toàn được lắp đặt tại Chernobyl đã bị mất kết nối” - tuyên bố của IAEA cho hay. “Cơ quan đang xem xét tình trạng các hệ thống giám sát bộ phận an toàn tại các địa điểm khác ở Ukraina và sẽ sớm cung cấp thêm thông tin”.

IAEA sử dụng thuật ngữ “bộ phận an toàn” để mô tả các biện pháp kỹ thuật mà tổ chức này áp dụng cho các hoạt động và vật liệu hạt nhân, với mục tiêu ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua việc phát hiện sớm việc sử dụng sai nguyên liệu đó.

Hơn 200 nhân viên kỹ thuật và bảo vệ vẫn bị mắc kẹt tại địa điểm này, làm việc 13 ngày liên tục kể từ khi Nga tiếp quản.

Họ có nước và thức ăn, nhưng tình hình của các nhân viên "đang trở nên tồi tệ hơn" tại địa điểm này - IAEA dẫn lời cơ quan quản lý hạt nhân Ukraina cho biết.

Quân nhân Nga bảo vệ nhà máy Chernobyl ở Pripyat, Ukraina. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Nhà máy Chernobyl không còn tồn tại nằm bên trong khu cảnh báo nguy hiểm, nơi có các lò phản ứng ngừng hoạt động cũng như các cơ sở chất thải phóng xạ.

Hơn 2.000 nhân viên vẫn làm việc tại nhà máy vì nó đòi hỏi sự quản lý liên tục để ngăn chặn một thảm họa hạt nhân khác.

IAEA kêu gọi Nga cho phép luân chuyển nhân viên vì việc nghỉ ngơi và thay ca thường xuyên là yếu tố quan trọng đối với sự an toàn của cơ sở này.

“Tôi vô cùng lo ngại về tình hình khó khăn và căng thẳng mà các nhân viên tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phải đối mặt và những rủi ro tiềm ẩn mà điều này gây ra đối với an toàn hạt nhân. Tôi kêu gọi các lực lượng kiểm soát khẩn trương tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển nhân sự ở đó một cách an toàn” - ông Grossi nói.

Khi việc truyền dữ liệu từ xa bị ngắt và cơ quan quản lý Ukraina chỉ có thể liên hệ với nhà máy qua email, ông Grossi nhắc lại lời đề nghị tất cả các bên đến địa điểm này hoặc nơi nào đó để đảm bảo “cam kết về sự an toàn và an ninh” của các nhà máy điện Ukraina.

This browser does not support the video element.

Nga công bố video kiểm soát nhà máy hạt nhân Chernobyl cùng với lực lượng Ukraina. Video: RT/Bộ Quốc phòng Nga

Nga cũng đã chiếm giữ Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu ở Ukraina - vào tuần trước. Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng có thiết kế hiện đại hơn, an toàn hơn so với lò bị nấu chảy ở Chernobyl.

IAEA cho biết hai trong số đó vẫn đang hoạt động, các nhân viên của nhà máy đang làm việc theo ca và mức độ bức xạ vẫn ổn định.

Ngày 9.3, hãng thông tấn Nga RIA Novosti công bố đoạn video quay cảnh một sĩ quan vệ binh quốc gia Nga đứng trước nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia và cho biết lực lượng của Nga đang kiểm soát hoàn toàn địa điểm này.

“Hiện tại, nhà máy hoạt động bình thường, thực hiện đầy đủ các chức năng. Tình hình được lực lượng vệ binh quốc gia Nga kiểm soát hoàn toàn” - RIA Novosti dẫn lời quan chức Nga nói.

Quan chức Nga đồng thời cáo buộc Ukraina tàng trữ vũ khí tại cơ sở này: “Một số lượng lớn vũ khí và đạn dược, bao gồm cả vũ khí hạng nặng, đã được phát hiện trong lò phản ứng của các nhà máy”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Ukraina cáo buộc rằng các lực lượng Nga kiểm soát nhà máy hạt nhân Ukraina đang buộc các nhân viên kiệt sức ghi lại phát biểu mà họ định sử dụng cho mục đích tuyên truyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn