MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
IMF cảnh báo vị thế đồng USD có thể bị suy giảm. Ảnh: Getty

IMF cảnh báo về vị thế đồng USD sau trừng phạt Nga

Khánh Minh LDO | 25/03/2022 16:11
IMF cảnh báo tỷ trọng của đồng USD trong rổ tiền tệ toàn cầu có thể giảm sau khi dự trữ của Nga bị đóng băng.

Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath cho biết các nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ cân nhắc lại mức độ an toàn khi nắm giữ ngoại hối bằng đồng USD.

Tuyên bố được đưa ra sau khi một nửa dự trữ vàng và ngoại hối của Nga bị các tổ chức tài chính quốc tế đóng băng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt Mátxcơva được áp dụng vì Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Bà Gita Gopinath nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy: “Chúng ta có thể sẽ thấy một số quốc gia xem xét lại mức độ nắm giữ một số loại tiền tệ nhất định trong dự trữ ngoại hối".

Bà Gopinath cho biết IMF coi "sự phân mảnh ngày càng tăng" trong các hệ thống thanh toán toàn cầu là một trong những hậu quả của các sự kiện hiện tại. Tuy nhiên, bà tuyên bố rằng đồng USD, theo truyền thống được coi là tiền tệ dự trữ thế giới, không có khả năng bị “sụp đổ ngay lập tức”. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng ở Ukraina kéo dài bao lâu, có thể sẽ có những tác động lớn hơn, theo bà Gopinath.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa quyết định buộc những nước nhập khẩu khí đốt của Nga mà bị Mátxcơva coi thuộc diện các quốc gia "không thân thiện với Nga" phải thanh toán bằng đồng rúp thay cho bằng đồng ngoại tệ. Ảnh: Reuters

Đề cập đến viễn cảnh Nga vỡ nợ quốc gia, quan chức cấp cao của IMF cho biết tác động tiềm tàng của nó đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ không lớn và sẽ không gây ra “rủi ro hệ thống”, bởi vì “những con số mà chúng tôi đang xem xét là tương đối nhỏ nếu xét trên toàn cầu". Tuy nhiên, theo bà Gopinath, đối với Nga, một vụ vỡ nợ sẽ có hậu quả lâu dài. “Khi đã vỡ nợ, việc gia nhập lại thị trường không phải là điều dễ dàng. Và điều đó có thể mất nhiều thời gian” - Phó giám đốc IMF cho hay.

Các biện pháp trừng phạt Nga trong tháng này bao gồm loại Mátxcơva khỏi hệ thống tài chính phương Tây, cấm hầu hết các giao dịch ngoại trừ các hoạt động trả nợ và mua dầu, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm đóng băng khoảng 300 tỉ USD mà Nga đang nắm giữ trong kho dự trữ ngoại tệ ở nước ngoài. Các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế vào đầu tháng này đã hạ xếp hạng của Nga xuống mức trước vỡ nợ, dự đoán rằng Mátxcơva sẽ không thể thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với các chủ nợ nước ngoài.

Tuy nhiên, cho đến nay, Nga đã ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, trả lãi 117 triệu USD cho hai trái phiếu phát hành bằng USD vào tuần trước. Các báo cáo truyền thông cũng nói rằng Nga đã thanh toán một khoản nợ 66 triệu USD khác vào ngày 22.3.

Nga nhiều lần tuyên bố hoàn toàn có khả năng trả nợ và thậm chí có thể thực hiện trả nợ bằng đồng rúp nếu không còn lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, theo Moody's Investors Services, Nga vẫn có nguy cơ vỡ nợ, vì việc miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với các khoản nợ của Nga sẽ hết hạn vào ngày 25.5, trong khi Mátxcơva vẫn còn các khoản thanh toán trị giá 100 triệu USD đến hạn vào ngày 27.5.

Nga cáo buộc Mỹ và các đồng minh cố gắng tạo ra một vụ vỡ nợ nhân tạo, vì nước này có tiền để trả nợ. Mátxcơva nói rằng chính các tổ chức tài chính phương Tây đang rơi vào tình trạng vỡ nợ, bởi vì bằng cách đóng băng tài sản của Nga, họ đang thất bại trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn