MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
EU đưa ra công cụ mới giúp các nước thành viên có nợ công cao. Ảnh: AFP

Kế hoạch mới của EU không cứu được Eurozone khỏi sụp đổ?

Ngọc Vân LDO | 20/06/2022 10:13
EU đưa ra công cụ mới giúp các nước thành viên, nhưng giới phân tích nghi ngờ rằng kế hoạch này có thể sẽ không cứu được khu vực Eurozone khỏi sụp đổ.

Reuters và Bloomberg trích dẫn các nhà phân tích cho rằng khó có thể thực hiện được kế hoạch tái đầu tư trái phiếu được Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đưa ra hồi đầu tuần nhằm giúp các quốc gia thành viên EU nợ nần nhiều nhất.

ECB cho biết sẽ chuyển tiền mặt đến các quốc gia mắc nợ nhiều từ khoản nợ đáo hạn trong chương trình hỗ trợ đại dịch trị giá 1,7 nghìn tỉ euro (1,8 nghìn tỉ USD). Điều này có nghĩa là trước khi công bố, quá trình mua trái phiếu ECB của các quốc gia diễn ra phù hợp với đầu tư của mỗi nước, thì giờ đây ưu tiên sẽ được dành cho các quốc gia có nợ cao, chẳng hạn như Italia, với tổng nợ lên tới khoảng 150% GDP.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động thái này khó có thể giải quyết được các cuộc khủng hoảng nợ công. Olli Rehn, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan, nói với Reuters rằng biện pháp này sẽ chỉ giúp ngăn chặn các động thái thị trường “không chính đáng” và sẽ không giúp ích cho các quốc gia trong trường hợp có vấn đề nợ thực sự lớn.

Markus Ferber - một thành viên Đức của Nghị viện Châu Âu - lưu ý ECB có thể đang mở rộng lĩnh vực chuyên môn của mình quá xa. “Công việc của ECB là ổn định giá chứ không phải đảm bảo các điều kiện tài chính thuận lợi… Một số quốc gia hiện chỉ đơn giản là nhận được hóa đơn cho các chính sách tài khóa thiếu trách nhiệm trong nhiều năm” - ông Ferber nói.

Theo nhà phân tích tài chính Richard Cookson, trong khi mục tiêu chính của ngân hàng trung ương là giữ lạm phát ở mức thấp, thì cơ quan quản lý Châu Âu dường như có một mục tiêu khác - giữ cho các thành viên yếu nhất của EU không “rời khỏi liên minh tiền tệ”.

“ECB hiện đã tự đặt mình vào một vị trí không thể… Trong 10 năm qua, thay vì thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát thì ECB lại thiết lập chính sách tiền tệ để giữ cho các thành viên yếu nhất của mình không rời khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu. Nói một cách thẳng thừng, nó không còn là một ngân hàng trung ương có mục tiêu kiểm soát lạm phát nữa” - ông Cookson viết trong một bài báo trên Bloomberg.

Ông cho rằng lạm phát tăng vọt ở hầu hết các quốc gia EU là một ví dụ về các chính sách thất bại của ECB, và ngay cả đợt tăng lãi suất quan trọng được công bố gần đây là 0,25% - động thái đầu tiên như vậy trong 11 năm - cũng khó có thể thay đổi tình hình.

"ECB có thể che giấu ý định thực sự của mình khi lạm phát thấp nhưng khi lạm phát cao và gia tăng, việc che giấu mục tiêu thực sự trở nên bất khả thi… ECB không nên quyết định ai nên và không nên ở lại Eurozone" - ông Cookson cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn