MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga và NATO đàm phán an ninh hôm 12.1. Ảnh: Sputnik

Kết quả đàm phán căng thẳng Nga-NATO

Khánh Minh LDO | 13/01/2022 07:53
Cuộc đàm phán giữa Nga và NATO hôm 12.1 dù căng thẳng nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung.

Không đạt thoả thuận

RT đưa tin, phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về những yêu cầu chính của Nga.

Ông Stoltenberg nói với báo giới rằng, Nga và NATO đã có cuộc thảo luận “thẳng thắn và cởi mở về nhiều vấn đề, tất nhiên tập trung vào căng thẳng trong và xung quanh Ukraina”.

Ông nói rằng điều quan trọng hơn là khi căng thẳng lên cao mà các đại diện gặp nhau. Theo ông, NATO sẵn sàng thảo luận về một loạt vấn đề kiểm soát vũ khí với Nga và lên lịch cho “một loạt các cuộc họp về các chủ đề khác nhau, bao gồm các hạn chế đối với vũ khí tên lửa ở Châu Âu. Phía Nga nói rõ họ chưa sẵn sàng lên lịch cho một cuộc gặp hôm nay, nhưng tôi hoan nghênh họ sẵn sàng đối thoại" - ông Stoltenberg nói.

Vị quan chức kỳ cựu này cũng cho hay, NATO quan tâm đến việc khôi phục phái đoàn của mình ở Mátxcơva, cũng như hướng tới việc mở lại sự hiện diện ngoại giao của Nga tại trụ sở chính của NATO ở thủ đô Bỉ.

“Về mặt tương tác…, các đồng minh quan tâm đến việc tìm kiếm cơ hội phát triển các kênh liên lạc dân sự và quân sự, cũng như khả năng thiết lập lại công việc của các phái bộ của chúng tôi ở Mátxcơva và Brussels” - ông Stoltenberg tiết lộ.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng nói rõ rằng NATO không sẵn sàng thỏa hiệp với những gì họ cho là nguyên tắc cơ bản của mình để đáp ứng các yêu cầu của Nga.

Tháng trước, Nga đã gửi hai dự thảo hiệp ước, một hiệp ước gửi cho Washington và một hiệp ước gửi cho NATO, yêu cầu chấm dứt việc khối này mở rộng thêm sang Đông Âu.

Nga đã yêu cầu đảm bảo bằng văn bản rằng Ukraina sẽ không được kết nạp là thành viên của NATO. Theo người đứng đầu NATO, "chỉ Ukraina và 30 đồng minh có thể quyết định khi nào Ukraina trở thành thành viên... Nga không có quyền phủ quyết".

Tổng thư ký Jens Stoltenberg (giữa) dự hội nghị Nga-NATO ngày 12.1. Ảnh: Sputnik

Khác biệt cơ bản về quan điểm

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, Nga và NATO không tìm được điểm chung. Các cuộc thảo luận là "trực tiếp" và "chân thành", nhưng bộc lộ những khác biệt cơ bản về quan điểm.

Thứ trưởng Gruskho phát biểu với báo giới rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương do Mỹ dẫn đầu đã quay lại chiến lược Chiến tranh Lạnh là “ngăn chặn” đối với Nga và tìm kiếm “sự thống trị toàn diện”.

Nhà ngoại giao nói thêm, Mátxcơva tin rằng hành động của NATO đang tạo ra mối đe dọa "không thể chấp nhận được" đối với Nga mà họ sẽ phải đối phó.

Ông Grushko cũng cho rằng NATO chịu trách nhiệm cho việc chấm dứt mọi hợp tác với Nga về các vấn đề an ninh chung quan trọng như cuộc chiến chống khủng bố, buôn bán ma túy và cướp biển. Ông đổ lỗi cho Mỹ về sự “sụp đổ” của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, khi Washington rút khỏi các hiệp ước INF và Bầu trời mở, đồng thời chậm trễ gia hạn hiệp ước START mới.

Nhà ngoại giao cho biết thêm, Nga đã đề xuất các biện pháp giảm leo thang nhưng NATO vẫn phớt lờ. "NATO dường như thừa nhận an ninh là thứ chỉ áp dụng cho các thành viên của mình, vi phạm trực tiếp nhiều điều ước quốc tế. Nga thấy điều này là không thể chấp nhận được. Nếu NATO kiên trì với chính sách ngăn chặn, răn đe và đe dọa, Nga sẽ đáp trả phù hợp" - ông Grushko nói.

Quan hệ giữa NATO và Nga ngày càng căng thẳng trong những tháng gần đây. Vào tháng 11, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết cuộc đối thoại trước đây giữa hai bên tỏ ra vô ích và khối quân sự quan tâm nhiều hơn đến việc "tăng cường tuyên truyền và gây áp lực lên Nga" khi nói đến quan hệ với nước láng giềng Ukraina.

Tháng trước, Nga tuyên bố cắt đứt quan hệ song phương trực tiếp với NATO và đóng cửa các văn phòng đại diện của khối ở thủ đô Mátxcơva. Động thái này được đưa ra nhằm đáp trả việc NATO trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga khỏi trụ sở chính ở Brussels, được cho là vì những tuyên bố liên quan đến vụ "gián điệp". Nga bác bỏ cáo buộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn