MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia. Ảnh: Wiki

Khí đốt Nga cung cấp cho Trung Quốc tăng như vũ bão

Ngọc Vân LDO | 02/05/2022 20:18
Khối lượng khí đốt Nga cung cấp cho Trung Quốc tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh Mátxcơva giảm cung cấp cho Châu Âu.

Nguồn cung khí đốt của Nga cho Trung Quốc đã tăng gần 60% trong 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái - RT dẫn thông báo của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom hôm 1.5.

Gazprom cho hay việc giao hàng được thực hiện thông qua đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) như một phần của hợp đồng giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào ngày 24.2, Bắc Kinh từ chối lên án Mátxcơva hoặc tham gia vào các biện pháp trừng phạt Nga, bất chấp sức ép từ phương Tây.

Các biện pháp trừng phạt khiến nguồn cung khí đốt Nga cho các nước ngoài Liên Xô cũ giảm 26,9% kể từ đầu năm. Tổng cộng 50,1 tỉ mét khối đã được giao trong 4 tháng qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu “các quốc gia không thân thiện” (những nước trừng phạt Nga) phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp từ ngày 1.4. Biện pháp này được thông qua sau khi các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt được áp dụng đối với Mátxcơva trong bối cảnh xung đột ở Ukraina.

Ban đầu, EU từ chối các quy định mới của Nga, gọi đây là "hành vi tống tiền", nhưng Ủy ban Châu Âu gần đây cho biết có thể có cách thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn từ chối chuyển sang đồng rúp, khiến Gazprom phải cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vào cuối 4. Nga cũng có kế hoạch cắt khí đốt cho Phần Lan vào cuối tháng 5 nếu nước này không chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp.

Kể từ khi Nga cắt khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vào ngày 27.4, yêu cầu vận chuyển khí đốt từ Nga sang Châu Âu qua lãnh thổ Ukraina tăng 76%. Châu Âu tăng cường mua khí đốt Nga qua các nước thanh toán bằng đồng rúp và phân phối lại một phần. Dọc theo hành lang Uzhgorod, các chuyến hàng tăng dần đến Slovakia, chiều ngược lại tăng từ Đức đến Ba Lan thông qua đường ống dẫn khí đốt Yamal-Châu Âu. Như vậy, trên thực tế, Ba Lan vẫn đang mua khí đốt của Nga, nhưng từ các nhà cung cấp của Đức.

Nga cung cấp khí đốt cho Châu Âu qua hệ thống đường ống nằm trong lãnh thổ Ukraina. Ảnh: Getty

Việc Nga cung cấp khí đốt qua các trạm Sudzha và Sokhanovka ở Ukraina được hình thành trên cơ sở nhu cầu của Châu Âu. Tính đến ngày 1.5, khối lượng khí đốt vận chuyển qua các trạm này đã lên tới 98,89 triệu mét khối. Con số này nhiều hơn 1,8 lần (76%) so với ngày 26.4 - trước khi Gazprom ngừng cung cấp cho Ba Lan và Bulgaria.

Một điều đáng chú ý là vào ngày 30.4, người tiêu dùng Châu Âu đã tăng nhu cầu cung cấp khí đốt của Nga thông qua Ukraina, mặc dù thực tế là vào cuối tuần, nhu cầu khí đốt thường giảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn