MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất EU lập đỉnh trong 50 năm

Khánh Minh LDO | 14/06/2022 20:01

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, chứng kiến mức lạm phát cao nhất trong 50 năm qua.

Theo ước tính cuối cùng của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), lạm phát hàng năm ở Đức đã tăng lên 7,9% vào tháng 5. Tính riêng trong tháng 5, giá tiêu dùng đã tăng 0,9%, sau khi tăng 0,8% trong tháng 4.

Theo thông cáo báo chí của Destatis ngày 14.6, đây là đợt tăng lạm phát đột biến nhất đối với nền kinh tế lớn nhất Châu Âu trong gần nửa thế kỷ qua.

“Giá tiêu dùng tăng 7,9% so với năm ngoái theo tiêu chuẩn quốc gia và 8,7% so với năm ngoái theo tiêu chuẩn hài hòa của Liên minh Châu Âu, không thay đổi so với kết quả sơ bộ được công bố vào ngày 30.5” - Destatis cho hay.

“Lạm phát ở nước Đức thống nhất cho thấy mức tối đa trong tháng thứ ba liên tiếp. Nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao vẫn là do giá năng lượng tăng. Chúng tôi cũng đang chứng kiến ​​sự gia tăng giá của nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là thực phẩm… Lần cuối cùng mức lạm phát cao như vậy là vào mùa đông năm 1973-1974, khi giá dầu tăng mạnh do cuộc khủng hoảng dầu mỏ” - AP dẫn lời Chủ tịch của Destatis, ông Georg Thiel, cho biết.

Đức đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng vọt do các lệnh trừng phạt Nga liên quan vì chiến sự ở Ukraina. Dữ liệu của Destatis cho thấy giá khí đốt đã tăng 55,2% so với tháng 5.2021 và giá nhiên liệu tăng 41%.

Báo cáo nói rằng nếu không có sự gia tăng của giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát sẽ thấp hơn một nửa tỉ lệ hiện tại. Cơ quan Thống kê Liên bang Đức lưu ý, giá cả cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch.

Theo kết quả thăm dò được Viện Các câu trả lời xã hội thực hiện tuần vừa qua và được tờ Bild của Đức công bố hôm 10.6, gần 1 trong 6 người Đức (16%) được hỏi đã buộc phải bỏ bữa thường xuyên để cân đối thu chi. Cũng theo kết quả thăm dò, 13% khác nói họ lo sợ sẽ xảy ra tình trạng như vậy nếu giá lương thực tiếp tục tăng.

Các nhà phân tích kỳ vọng việc tăng giá sẽ chậm lại trong những tháng tới, với ngân hàng Bundesbank của Đức dự báo tỉ lệ lạm phát 7,1% vào cuối năm nay. Trong khi đó, các nhà phân tích dự đoán, toàn Châu Âu sẽ chứng kiến ​​tỉ lệ lạm phát trung bình là 6% vào năm 2022.

Đức đã thực hiện một loạt chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, đặc biệt là đối với việc tăng giá năng lượng, bao gồm bán vé giá rẻ cho các phương tiện giao thông công cộng từ tháng 6 đến tháng 8 và giảm giá cho tài xế tại các trạm xăng.

Việc giảm giá sẽ đồng nghĩa với việc giá xăng giảm 29,55 cent/lít và dầu diesel giảm 14,04 cent/lít. Điều này có nghĩa là ngân sách nhà nước thất thu khoảng 3,23 tỉ USD tiền thuế.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg Holger Schmieding nói với Reuters rằng, việc giảm giá xăng và các biện pháp can thiệp khác có thể dẫn đến tỉ lệ lạm phát ở Đức tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn