MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Liên Hợp Quốc lần đầu tiên đạt đồng thuận về Ukraina

Khánh Minh LDO | 08/05/2022 08:21

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí ủng hộ "tìm kiếm một giải pháp hòa bình" cho cuộc xung đột Ukraina.

RT đưa tin, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 6.5 đã nhất trí thông qua một tuyên bố ủng hộ nỗ lực của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraina. Đây là lần đầu tiên Liên Hợp Quốc đạt đồng thuận về cuộc xung đột Ukraina kể từ ngày 24.2. 

Tuyên bố do Na Uy và Mexico đề xuất. Theo đồng tác giả Mexico, tuyên bố cho thấy Mátxcơva sẵn sàng thực hiện các biện pháp ngoại giao.

“Hội đồng Bảo an bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực của tổng thư ký trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Hội đồng Bảo an cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc duy trì hòa bình và an ninh của Ukraina và nhắc lại rằng tất cả các quốc gia thành viên đã thực hiện, theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc, nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình” - AP dẫn một đoạn trong tuyên bố.

Mỹ cũng đã yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thông báo cho Hội đồng Bảo an về vấn đề này, "trong thời gian thích hợp”. Toàn bộ cuộc họp vào ngày 6.5 chỉ kéo dài khoảng 1 phút.

Sự ủng hộ của Nga đối với tuyên bố do Mexico và Na Uy soạn thảo cho thấy sự sẵn sàng về ngoại giao của Mátxcơva - Trưởng phái đoàn ngoại giao Mexico tại Liên Hợp Quốc Juan Ramón de la Fuente Ramírez nói với TASS.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đến thăm Mátxcơva và Kiev vào cuối tháng 4. Cho đến nay, ông Guterres đã sắp xếp thành công hai cuộc sơ tán dân thường khỏi nhà máy Azovstal ở Mariupol, nơi Tiểu đoàn Azov trung thành với chính phủ ở Kiev và các chiến binh Ukraina khác đang ẩn náu.

Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào cuối tháng 2, sau khi cáo buộc Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 và cuối cùng là sự công nhận của Mátxcơva đối với các nước cộng hòa Donbass tự xưng là Donetsk và Lugansk. Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai quy chế đặc biệt ở Ukraina.

Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa ở Donbass bằng vũ lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn