MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tay súng Taliban lái xe ở thành phố Kandahar của Afghanistan tháng 10.2021. Ảnh: AFP

Liên Hợp Quốc lập hiện diện chính thức ở Afghanistan thời Taliban

Hải Anh LDO | 18/03/2022 12:39
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết trong ngày 17.3 nhằm đảm bảo sự hiện diện chính thức ở Afghanistan do Taliban điều hành.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an - tránh sử dụng từ Taliban - sẽ cho phép Liên Hợp Quốc tiếp tục các công việc quan trọng của tổ chức này ở Afghanistan. Quốc gia Nam Á này đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh và nền kinh tế bị tác động mạnh khi cộng đồng quốc tế cắt viện trợ vào thời điểm Taliban nắm quyền năm ngoái. 

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17.3 có 14 phiếu ủng hộ, với 1 phiếu trắng của Nga. 

Liên Hợp Quốc vẫn chưa công nhận lựa chọn phái viên của Taliban tới tổ chức này và nghị quyết ngày 17.3 của Hội đồng Bảo an cũng không mang lại sự công nhận quốc tế với chính quyền Taliban, AFP lưu ý. 

Nghị quyết về Afghanistan vừa được các thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu bao gồm một số lĩnh vực hợp tác trên phương diện nhân đạo, chính trị và nhân quyền, bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và nhà báo.

“Nhiệm vụ mới này với UNAMA (phái bộ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan) là rất quan trọng không chỉ để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo trước mắt, mà còn để đạt được mục tiêu bao trùm của chúng tôi là hòa bình và ổn định ở Afghanistan”  - Đại sứ Na Uy tại Liên Hợp Quốc Mona Juul chia sẻ với AFP sau cuộc bỏ phiếu. Na Uy là nước soạn thảo nghị quyết này. 

Được thành lập lần đầu tiên tại Afghanistan năm 2002, nhiệm vụ của phái bộ UNAMA trước đây gồm hỗ trợ nhân đạo, vận động nhân quyền và hợp tác khu vực và chính trị. Trước năm 2021, phái bộ này cũng đã tìm cách bảo vệ dân thường trong suốt cuộc xung đột và hỗ trợ tiến trình hòa bình.

“Hội đồng đưa ra thông điệp rõ ràng với nhiệm vụ mới này: UNAMA có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Afghanistan và hỗ trợ người dân Afghanistan khi họ đối mặt với những thách thức và bất ổn chưa từng có" - Đại sứ Juul nói.

Tình hình an ninh ở Afghanistan dường như đang ổn định trở lại, vài tháng sau khi Taliban tiến vào Kabul ngày 15.8.2021 khi Mỹ gấp rút rút quân sau 20 năm chiến tranh.

Tuy nhiên, kể từ đó, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan ngày càng sâu sắc. Liên Hợp Quốc và các cơ quan cứu trợ toàn cầu khác cho biết, hơn một nửa trong số 38 triệu người Afghanistan đang đối mặt với nạn đói.

Afghanistan là một trong những nơi nghèo nhất thế giới, với ít cơ sở hạ tầng và dân số trẻ bị tổn thương do nhiều thập kỷ chiến tranh.

Vào tháng Giêng, Liên Hợp Quốc đã ra lời kêu gọi viện trợ lớn nhất từ ​​trước đến nay cho một quốc gia, kêu gọi 5 tỉ USD để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo.

Đầu tháng 3, Ngân hàng Thế giới đã công bố viện trợ nhân đạo hơn 1 tỉ USD cho Afghanistan, trong đó nêu rõ số tiền này sẽ được chuyển đến các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ quốc tế không thuộc kiểm soát của Taliban.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn