MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hungary chặn lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU. Ảnh: Getty

Một nước EU quyết liệt phản đối lệnh cấm dầu mỏ Nga

Song Minh LDO | 09/05/2022 08:55
EU cho đến nay không đạt được thỏa thuận về một gói trừng phạt mới chống lại Nga, khi Hungary tiếp tục phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra 5 gói trừng phạt Nga và đang đề xuất gói trừng phạt thứ 6 để đáp trả việc Mátxcơva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina. 

Đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyden xác nhận rằng các đề xuất về gói trừng phạt thứ 6 bao gồm một lệnh cấm vận dần dần toàn bộ dầu mỏ của Nga. Đây được cho là biện pháp cứng rắn nhất cho đến nay đối với chính EU, khi xét đến việc vào năm 2021, Liên minh Châu Âu nhập khẩu 25% lượng dầu từ Nga, theo số liệu của Eurostat.

Ngày 8.5, Bloomberg cho biết Hungary tiếp tục phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Thừa nhận sự phản đối của Hungary và Slovakia, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu của Nga, EU được cho là đã cho hai quốc gia này, cũng như Cộng hòa Czech, hoãn thực hiện các lệnh trừng phạt cho đến năm 2024. Các quốc gia khác được cho là sớm chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế, chậm nhất là năm sau.

Tuy nhiên, như các nguồn tin của Bloomberg cho hay, sự nhượng bộ này không đủ để thuyết phục Hungary, và Budapest tiếp tục chặn thỏa thuận trong cuộc họp hôm 8.5 của 27 đại sứ EU. Hai ngày trước đó, Thủ tướng Hungary Victor Orban nói rằng lệnh cấm dầu sẽ là một “quả bom hạt nhân” đối với nền kinh tế Hungary và tiết lộ rằng ông muốn EU cho Budapest 5 năm để thay thế dầu của Nga.

Tuy nhiên, lệnh cấm dầu dường như không phải là vấn đề duy nhất của gói trừng phạt. Đề xuất cấm cung cấp các tàu và dịch vụ cần thiết để chuyển dầu của Nga sang các nước thứ ba đã khiến các nước Hy Lạp và Síp, theo Bloomberg, “vẫn giữ nguyên” phần này của gói trừng phạt, khiến các nước phải ngạc nhiên.

Các biện pháp khác được đề xuất bao gồm loại thêm nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và cấm các tổ chức và cá nhân Nga mua tài sản ở EU.

Mọi biện pháp phải được 27 nước thành viên của EU nhất trí thông qua.

Vào cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bình luận về các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây - cả những biện pháp đã được áp đặt và những biện pháp vẫn đang được thảo luận. Ông Putin chỉ trích hành vi của một số chính trị gia, những người mà theo lời ông kêu gọi công dân của họ “ăn ít hơn, mặc nhiều quần áo hơn và sử dụng ít hệ thống sưởi hơn, từ bỏ việc đi lại".

Trừng phạt Nga sẽ có tác động lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu, theo IEA. Ảnh: Getty

Trong khi đó, ông Fatih Birol, giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và các biện pháp trả đũa của Mátxcơva sẽ có tác động lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu.

“Tôi tin rằng chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên. Vào những năm 70, chúng ta đã chứng kiến ​​cuộc khủng hoảng dầu mỏ, gây ra hậu quả lớn cho nền kinh tế và lạm phát. Nhưng hồi đó chỉ là dầu” - ông Birol nói.

“Hãy nhớ rằng Nga là nhà xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên số một thế giới, đồng thời là người chơi chủ chốt trên thị trường nguyên liệu được sử dụng trong ngành năng lượng. Do đó, các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga hay các quyết định chính trị từ Điện Kremlin đã và sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với thị trường năng lượng” - Giám đốc IEA nhấn mạnh.

Theo ông Birol, sẽ quá lạc quan nếu tin rằng sự biến động hiện tại trên thị trường năng lượng có thể sớm kết thúc và thế giới có thể quay trở lại thời kỳ giá thấp và các điều kiện thị trường ổn định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn