MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỹ bất ngờ xin lỗi đồng minh giàu dầu mỏ vùng Vịnh

Ngọc Vân LDO | 15/04/2022 08:17

Ngoại trưởng Mỹ đã xin lỗi Thái tử UAE trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng ngoại giao với quốc gia giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh.

Ngày 14.4, trang Axios đưa tin hôm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã xin lỗi Thái tử Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed trong cuộc gặp ở Morocco vào tháng trước.

Theo Axios, cử chỉ của Ngoại trưởng Blinken rõ ràng là nhằm xoa dịu mối quan hệ Mỹ-UAE sau phản ứng của Washington về cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào UAE hồi tháng 1.

Theo nguồn tin của Axios, trong cuộc gặp, ông Blinken thừa nhận rằng phản ứng của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với cuộc tấn công là không đủ nhanh chóng và cho biết ông rất tiếc.

“Ngoại trưởng Blinken nói rõ rằng Mỹ đánh giá cao quan hệ đối tác với UAE và chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đối tác của mình khi đối mặt với các mối đe dọa chung” - một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ với trang Axios.

Vào tháng 1, phiến quân Houthi của Yemen đã điều máy bay không người lái tấn công thủ đô của UAE khiến 3 người thiệt mạng và 6 người bị thương. Phe nổi dậy nói rằng cuộc tấn công diễn ra nhằm trả đũa việc UAE hỗ trợ liên quân quốc tế ném bom vào Yemen. Liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đáp trả bằng nhiều cuộc không kích hơn vào Yemen khiến ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Washington đã lên án cuộc tấn công vào Abu Dhabi. “Chúng tôi sẽ làm việc với UAE và các đối tác quốc tế để buộc Houthi phải chịu trách nhiệm” - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố vào ngày xảy ra vụ tấn công. “Cam kết của chúng tôi đối với an ninh của UAE là không thay đổi và chúng tôi sát cánh bên đối tác UAE chống lại mọi mối đe dọa đối với lãnh thổ của nước này” - ông Sullivan nói thêm.

Tuy nhiên, UAE được cho là đã thất vọng trước việc Washington chưa chỉ định phong trào Houthi của Yemen là một tổ chức khủng bố và gửi thêm viện trợ quân sự.

Trước đó, Liên Hợp Quốc cho biết, việc chỉ định Houthi là nhóm khủng bố sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột Yemen. Các nhóm nhân đạo cũng bày tỏ lo ngại rằng việc gắn mác như vậy cho phiến quân sẽ cản trở việc vận chuyển viện trợ tới đất nước đang trải qua thảm họa nhân đạo.

Vào tháng 2, trong chuyến thăm UAE, Tướng Mỹ McKenzie đã bị lãnh đạo UAE từ chối gặp mặt - WSJ đưa tin dẫn lời một quan chức địa phương. 

Abu Dhabi cũng đã từ chối bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc chỉ trích hoạt động quân sự của Nga ở Ukraina, đồng thời bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền.

Vào tháng 3, Đại sứ UAE tại Washington Yousef Al Otaiba thừa nhận rằng quan hệ Mỹ-UAE đang căng thẳng. “Giống như bất kỳ mối quan hệ nào, quan hệ Mỹ-UAE có những lúc mạnh mẽ, lành mạnh và cũng có những lúc căng thẳng. Hôm nay chúng ta đang trải qua một phép thử căng thẳng, nhưng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua được điều đó và tiến đến một vị trí tốt hơn” - ông Otaiba nói.

Nỗ lực của ông Blinken để hòa giải với Thái tử được cho là đã có kết quả. Sau cuộc họp tại Morocco vào tháng 3, đặc phái viên tại Abu Dhabi nói với tờ Axios rằng ông Blinken đã giúp “đưa mối quan hệ giữa UAE và Mỹ trở lại đúng hướng”.

Các Tiểu vương quốc Arab vẫn là một đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ trong khu vực, với gần 2.000 binh sĩ và phi công Mỹ đóng tại căn cứ không quân al-Dhafra của Abu Dhabi.

Cả hai nước đều ủng hộ cuộc chiến đang diễn ra của Saudi Arabia chống lại Houthi ở Yemen, mặc dù Mỹ đã ngừng các hoạt động "tấn công" ở đó vào năm ngoái và UAE rút quân trên bộ vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, Các Tiểu vương quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ các nhóm chống Houthi trên mặt đất, còn Mỹ tiếp tục hỗ trợ Saudi Arabia và các đồng minh bằng việc bán vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ phòng thủ.

Cuộc nội chiến ở Yemen - cuộc nội chiến của người Houthi chống lại chính phủ ông Abdrabbuh Mansur Hadi do Saudi Arabia hậu thuẫn và một số phe phái khác - hiện đang ở năm thứ tám, cướp đi sinh mạng của khoảng 233.000 người. Cuộc xung đột đã được Liên Hợp Quốc mô tả là "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới" với 20 triệu người Yemen bị đói và suy dinh dưỡng.

Vào đầu tháng 4, một lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian đã được công bố ở Yemen. Thỏa thuận ngừng bắn trùng với Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Chỉ vài ngày sau, tổng thống lưu vong Hadi đã trao lại quyền lực cho một hội đồng tổng thống mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn