MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một máy bay quân sự Italia hạ cánh bên cạnh bệ phóng tên lửa Patriot tại sân bay của Sư đoàn Dù số 82, Quân đội Mỹ gần Rzeszow, Ba Lan, hôm 8.3. Ảnh: AFP/Getty

Mỹ đưa tên lửa Patriot đến Ba Lan, bác đề xuất gửi chiến đấu cơ cho Ukraina

Khánh Minh LDO | 09/03/2022 17:23
Mỹ bác đề nghị của Ba Lan gửi máy bay để hỗ trợ Ukraina, thay vào đó đưa 2 hệ thống tên lửa Patriot tới để bảo vệ đồng minh NATO.

Ngày 8.3, người phát ngôn Bộ chỉ huy Châu Âu của Mỹ (EUCOM), Đại úy Adam Miller cho biết Mỹ sẽ điều hai tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot tới Ba Lan để ngăn chặn các mối đe dọa đối với các đồng minh NATO.

Theo trang web về Mối đe dọa tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Patriot là hệ thống tên lửa phòng không được thiết kế để chống lại và tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn, máy bay tiên tiến và tên lửa hành trình.

“Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng và theo lời mời của đồng minh Ba Lan của chúng tôi, Tướng Wolters, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Châu Âu của Mỹ, đã chỉ đạo Quân đội Mỹ ở Châu Âu và Châu Phi tái bố trí hai tổ hợp tên lửa Patriot cho Ba Lan. Việc triển khai phòng thủ này đang được tiến hành một cách chủ động nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với các lực lượng của Mỹ và đồng minh cũng như lãnh thổ của NATO” - Reuters dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Miller cho hay.

Bệ phóng tên lửa Patriot của Mỹ ở Ba Lan hôm 8.3. Ảnh: AFP/Getty

Đại uý Miller bổ sung rằng bước đi này mang tính chất phòng thủ và được thực hiện để ngăn chặn sự xâm lược đối với NATO và các đồng minh của khối hiệp ước.

Hoạt động quân sự của Nga ở Ukraina đã dẫn đến sự tàn phá trên diện rộng các thành phố của Ukraina và dẫn đến cuộc khủng hoảng tị nạn, đẩy 2 triệu người Ukraina ra khỏi quê hương của họ, khiến Ba Lan và các nước Baltic có chung biên giới với Ukraina và Nga lo ngại.

Động thái của Mỹ diễn ra sau khi nước này bác bỏ đề xuất của Ba Lan về việc chuyển 29 máy bay chiến đấu MiG-29 tới căn cứ của Mỹ ở Đức để giúp bảo vệ Ukraina. Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau đã gây bất ngờ cho chính quyền Tổng thống Joe Biden khi cho biết sẽ chuyển các máy bay đến căn cứ không quân Ramstein ở Đức. 

"Ba Lan sẵn sàng triển khai - ngay lập tức và miễn phí - tất cả các máy bay MiG-29 đến căn cứ không quân Ramstein và đặt chúng dưới quyền sử dụng của chính phủ Mỹ. Đồng thời, Ba Lan yêu cầu Mỹ cung cấp cho chúng tôi những máy bay đã qua sử dụng với khả năng hoạt động tương ứng" - tờ The Guardian dẫn lời Bộ trưởng Rau nói.

Ukraina đang đề nghị cung cấp thêm máy bay chiến đấu và Ba Lan đề xuất sẽ cung cấp cho Ukraina các máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô và lần lượt nhận các máy bay F-16 của Mỹ để bù lại. Các phi công Ukraina đã được đào tạo để lái máy bay chiến đấu thời Liên Xô.

Mỹ bác đề xuất của Ba Lan về máy bay MiG-29. Ảnh: Alamy Stock Photo

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết điều này không thể thực hiện được. John Kirby, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc phát biểu: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn Ba Lan và các đồng minh NATO khác về vấn đề này và những thách thức hậu cần khó khăn mà nó đặt ra, nhưng chúng tôi không tin rằng đề xuất của Ba Lan là một đề xuất có thể thực thi”. 

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng cảnh báo rằng việc Ba Lan gửi máy bay sẽ gây nguy hại cho nước này. Theo Điều 5 của NATO, “nếu một đồng minh của NATO là nạn nhân của một cuộc tấn công vũ trang, mỗi thành viên khác của Liên minh sẽ coi hành động bạo lực này là một cuộc tấn công vũ trang chống lại tất cả các thành viên và sẽ thực hiện các hành động mà họ cho là cần thiết để hỗ trợ đồng minh bị tấn công".

Trong một diễn biến khác, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ hạ cánh ở thủ đô Warsaw trong ngày 9.3, bắt đầu chuyến thăm Ba Lan nhằm thảo luận về cách tốt nhất để hỗ trợ Ukraina ngăn chặn cuộc tấn công của Nga. Bà Harris sau đó sẽ đến thăm Romania.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn