MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu chở dầu tại cảng Merchants ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: Getty Images

Mỹ giục Ấn Độ nghĩ kỹ trước khi mua dầu giảm giá của Nga

Khánh Minh LDO | 16/03/2022 16:35
Thư ký báo chí Nhà Trắng thúc giục Ấn Độ không thực hiện kế hoạch mua dầu chiết khấu của Nga.

RT đưa tin, Washington hối thúc New Delhi không thực hiện kế hoạch mua dầu giảm giá của Nga, nói rằng động thái như vậy sẽ hỗ trợ Mátxcơva trong bối cảnh nước này đang tấn công quân sự ở Ukraina.

Khi được hỏi về thông tin gần đây rằng Ấn Độ có thể chấp nhận đề xuất của Nga về giá dầu rẻ hơn, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết các quốc gia nên xem xét vai trò của họ trong lịch sử đối với hành động quân sự của Nga ở Ukraina, mặc dù lưu ý rằng động thái này sẽ không vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

“Thông điệp của chúng tôi đối với bất kỳ quốc gia nào là tuân thủ các lệnh trừng phạt. Tôi không nghĩ điều này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt, nhưng hãy nghĩ xem bạn muốn đứng ở đâu khi sử sách được viết về thời điểm này. Và sự ủng hộ đối với Mátxcơva là sự ủng hộ cho cuộc chiến rõ ràng đang có tác động nghiêm trọng” - phát ngôn viên Nhà Trắng nói.

Bình luận của bà Psaki được đưa ra sau khi hai quan chức Ấn Độ nói với Reuters rằng New Delhi đang cân nhắc lời đề nghị của Nga và có khả năng sẽ chấp nhận. 

Những thông tin khác cũng cho biết Ấn Độ và Nga đang xây dựng cơ chế thương mại song phương bằng đồng rupee và đồng rúp. Mặc dù Ấn Độ hiện chỉ nhập khẩu khoảng 3% lượng dầu của mình từ Nga, nhưng khi giá dầu tăng vọt - tới 40% cho đến nay trong năm nay - thì đề xuất của Nga bán dầu với mức giá chiết khấu có thể trở nên hấp dẫn hơn.

Theo Reuters, Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ (IOC) - nhà lọc dầu lớn nhất của nước này - đã mua khoảng 3 triệu thùng dầu thô Urals của Nga từ công ty Vitol của Hà Lan để giao hàng vào tháng 5. Các nguồn tin cho hay, IOC không gặp vấn đề gì trong việc thanh toán tiền hàng vì dầu mỏ không bị cấm. Hơn nữa, IOC giao dịch với Vitol - một thực thể không bị trừng phạt. Vitol được cho là đã bán với giá chiết khấu lên tới 25 USD mỗi thùng dầu Urals so với dầu Brent.

Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng được yêu cầu bình luận về thông tin Saudi Arabia có thể sớm bán dầu cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ và các quan chức hai bên đang "đàm phán tích cực" cho một thỏa thuận như vậy. Bà Psaki từ chối bình luận, nói chưa biết về các cuộc thảo luận này.

Theo tờ Wall Street Journal, Trung Quốc mua hơn 1/4 lượng dầu Saudi Arabia xuất khẩu, có nghĩa là việc quy đổi các giao dịch đó bằng đồng nhân dân tệ sẽ thúc đẩy đáng kể tính quốc tế của đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Hiện tại, 80% doanh số bán dầu toàn cầu được giao dịch bằng USD, trong đó Saudi Arabia độc quyền giao dịch bằng đồng USD kể từ năm 1974 - khi Washington đưa ra bảo đảm an ninh cho Riyadh để đổi lấy cam kết của họ với hệ thống thanh toán bằng USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn