MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỹ không cung cấp cho Ukraina tên lửa có tầm bắn tới Nga

Khánh Minh LDO | 31/05/2022 09:59
Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ không cung cấp cho Ukraina các hệ thống tên lửa tầm xa có thể bắn tới Nga.

Tuyên bố ngày 30.5 của Tổng thống Joe Biden được đưa ra sau khi có thông tin Mỹ chuẩn bị gửi các hệ thống tên lửa tầm xa tiên tiến tới Ukraina để phục vụ cho cuộc chiến với Nga.

"Chúng tôi sẽ không gửi đến Ukraina các hệ thống tên lửa có thể bắn tới Nga" - Reuters dẫn lời Tổng thống Biden phát biểu với báo giới hôm 30.5 tại Nhà Trắng. 

Giới chức Ukraina đã đề nghị Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa phóng loạt MLRS, có thể bắn một loạt tên lửa đến mục tiêu cách xa hàng trăm kilomet. Không rõ ông Biden đề cập đến hệ thống nào trong tuyên bố của mình. CNN và The Washington Post đưa tin hôm 27.5 rằng, chính quyền Tổng thống Biden đang nghiêng về việc gửi MLRS và một hệ thống khác, hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, được gọi là HIMARS, như một phần của gói viện trợ quân sự lớn hơn cho Ukraina.

Chính phủ Ukraina đã thúc giục phương Tây cung cấp cho nước này nhiều vũ khí tầm xa hơn để lật ngược tình thế trong cuộc xung đột với Nga hiện đã bước sang tháng thứ 4. Giới chức cho biết các hệ thống vũ khí như vậy đang được tích cực xem xét.

Mỹ đã cung cấp hàng nghìn tên lửa phòng không Stinger di động và tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraina cũng như các máy bay không người lái và pháo dã chiến tiên tiến.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuần trước đã cảnh báo các cường quốc phương Tây không cung cấp cho Ukraina các loại vũ khí có khả năng tấn công lãnh thổ Nga, đồng thời cảnh báo hành động như vậy sẽ là một “bước leo thang nghiêm trọng không thể chấp nhận được”.

Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba cho biết, mức độ cấp thiết về nhu cầu vũ khí của Kiev có thể được tóm tắt bằng hai từ viết tắt: MLRS (hệ thống tên lửa phóng loạt) và ASAP (càng sớm càng tốt).

Hôm 25.5, ông Kuleba nói rằng tình hình ở khu vực phía đông Donbass là "cực kỳ tồi tệ". Các hệ thống tên lửa có thể giúp các lực lượng Ukraina cố gắng chiếm lại các cứ điểm như thành phố Kherson ở miền nam vốn đã bị Nga kiểm soát.

Phát biểu bên lề hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ tuần trước, ông Kuleba cho biết đã có khoảng 10 cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước sở hữu những hệ thống tên lửa như vậy - AP đưa tin.

“Câu trả lời mà tôi nhận được là: Mỹ đã gửi cho các ông chưa? Là lãnh đạo thật áp lực, ai cũng nhìn vào. Vì vậy, Washington phải giữ lời hứa và cung cấp cho chúng tôi hệ thống tên lửa phóng loạt càng sớm càng tốt. Như vậy những nước khác sẽ làm theo” - ông Kuleba nói.

Theo Ngoại trưởng Ukraina, nếu Kiev không nhận được MLRS càng sớm càng tốt thì tình hình ở Donbass sẽ thậm chí còn tồi tệ hơn bây giờ. “Mỗi ngày trôi qua, các quan chức ở Washington, Berlin, Paris và các thủ đô khác, cân nhắc xem họ nên hay không nên làm điều gì đó, thì chúng tôi đã phải trả giá bằng mạng sống và lãnh thổ” - ông Kuleba nói thêm.

Hơn 4.000 người đã thiệt mạng ở Ukraina và hàng triệu người khác phải di dời kể từ khi xung đột Nga - Ukraina bắt đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn