MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quân đội Ukraina tiếp nhận FGM-148 Javelins, tên lửa chống tăng cơ động do Mỹ cung cấp. Ảnh: AFP

Mỹ thông qua chương trình vũ khí đối với Ukraina

Song Minh LDO | 29/04/2022 08:50

“Dự luật cho thuê/cho mượn vũ khí phòng thủ dân chủ dành cho Ukraina” giống kiểu Thế chiến 2 đã được Hạ viện Mỹ thông qua.

Ngày 28.4 Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật xóa bỏ một số ràng buộc đối với việc cung cấp vũ khí tới Ukraina trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở nước này.

Được Thượng viện Mỹ thông qua vào đầu tháng 4, “Dự luật cho thuê/cho mượn vũ khí phòng thủ dân chủ dành cho Ukraina” làm sống lại chương trình mà Washington từng áp dụng để cung cấp thiết bị quân sự cho nước tham chiến trong Thế chiến 2 trong khi Mỹ vẫn chính thức giữ thái độ trung lập, đứng ngoài cuộc xung đột.

Theo RT, cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào chiều 28.4 có 417 phiếu thuận, 10 phiếu chống, 3 thành viên không bỏ phiếu. Tất cả các thành viên đảng Dân chủ đã bỏ phiếu ủng hộ, trong khi tất cả 10 thành viên phản đối đều là đảng viên Cộng hòa.

Dự luật do Thượng nghị sĩ John Cornyn (Đảng Cộng hoà, bang Texas) đề xuất đã được Thượng viện thông qua vào ngày 6.4, nhưng Hạ viện do đảng Dân chủ chiếm đa số đã hoãn lại 2 tuần nghỉ lễ Phục sinh trước khi thông qua.

Dự luật cho phép Nhà Trắng cho Ukraina hoặc bất kỳ quốc gia Đông Âu nào bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của Nga “mượn hoặc thuê trang thiết bị quốc phòng” để giúp tăng cường khả năng phòng thủ của các nước này và bảo vệ dân thường.

Dự luật của ông Cornyn không tạo ra một chương trình mới, mà giúp Tổng thống Joe Biden gửi vũ khí đến Kiev dễ dàng hơn bằng cách đình chỉ các giới hạn do hai luật hiện hành áp đặt, một trong số đó giới hạn thời gian viện trợ là 5 năm.

Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là Ukraina phải trả tiền cho việc “trả lại và bồi hoàn và hoàn trả cho các trang thiết bị quốc phòng mượn hoặc thuê”. Kiev khó có khả năng thực hiện các khoản thanh toán như vậy, vì chính phủ Ukraina đang yêu cầu Mỹ và EU hỗ trợ 7 tỉ USD mỗi tháng chỉ để tiếp tục trả lương.

Dự luật cho thuê/cho mượn vũ khí khác biệt với nỗ lực liên tục của Mỹ nhằm gửi vũ khí cho Kiev từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc. Tổng thống Biden đã sử dụng gần 3,5 tỉ USD được Quốc hội ủy quyền cho mục đích này, và đang tìm kiếm thêm nguồn tài trợ. Tuy nhiên, nó có nguy cơ bị giữ lại nếu Đảng Dân chủ nhất quyết đưa vào kế hoạch tài trợ COVID-19 của họ, vì Đảng Cộng hòa đã cảnh báo sẽ chỉ ủng hộ một dự luật độc lập.

Dự luật cho thuê/cho mượn vũ khí đầu tiên được Tổng thống Franklin Delano Roosevelt ban hành vào tháng 3.1941 - chín tháng trước khi Mỹ bước vào Thế chiến 2 - và lên tới 50,1 tỉ USD (tương đương 980 tỉ USD năm 2022) vào tháng 9.1945, khi chương trình kết thúc. 

Phần lớn vũ khí và thiết bị được chuyển đến Vương quốc Anh (31,4 tỉ USD), trong khi 11,3 tỉ USD tới Liên Xô và 7,4 tỉ USD được chuyển đến các nước khác. Về lý thuyết, khoản viện trợ được cho là sẽ được hoặc hoàn trả hoặc trả tiền, nhưng thay vào đó, Mỹ đã chấp nhận đổi lấy việc cho thuê các căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn