MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Ảnh: AFP

Mỹ và Đức tiết lộ lập trường khác biệt về đảm bảo an ninh cho Ukraina

Ngọc Vân LDO | 31/03/2022 10:10
Đức sẵn sàng "100%" đảm bảo an ninh cho Ukraina, trong khi chính phủ Mỹ vẫn đang "thảo luận liên tục" với Kiev.

Các bình luận được đưa ra hôm 30.3 sau cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraina, trong đó Kiev cho biết có thể chấp nhận trở thành nước trung lập nếu nhận được sự đảm bảo an ninh đầy đủ từ các quốc gia phương Tây.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với đài truyền hình ARD: “Nếu cần có sự đảm bảo, thì Đức sẽ có mặt và đảm bảo. Kiev có thể dựa vào Berlin. Đức đoàn kết hoàn toàn, 100% với Ukraina”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nói với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm 30.3 rằng Berlin "sẵn sàng" đưa ra các đảm bảo an ninh - nhưng một phát ngôn chính phủ không nói rõ liệu điều này có bao gồm hỗ trợ quân sự hay không.

Kiev đã liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây làm rõ lập trường của họ về việc Ukraina cuối cùng có được gia nhập NATO hay không, hoặc ít nhất là cung cấp cho nước này các thỏa thuận thay thế. Nga từ lâu đã coi việc Ukraina gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu là “lằn ranh đỏ”.

Mátxcơva đã phát động một cuộc tấn công quân sự vào nước láng giềng vào ngày 24.2, và vòng đàm phán hòa bình gần đây nhất, được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29.3, tiết lộ rằng Ukraina sẽ từ bỏ tham vọng gia nhập NATO nếu được đảm bảo an ninh từ các bên thứ ba.

Nga-Ukraina đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29.3.2022. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Đức Baerbock nhấn mạnh, tại thời điểm này, các cuộc đàm phán giữa Ukraina và Nga chưa đủ tiến triển và do đó, sự hiểu biết của Kiev và Mátxcơva về các đề xuất có thể hoàn toàn khác nhau.

Trong khi đó, giám đốc truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield cho biết, Washington đang “thảo luận liên tục với Kiev” về những cách mà nước này có thể duy trì “chủ quyền và an toàn”, nhưng tại thời điểm này chưa có gì “cụ thể” có thể chia sẻ.

Bà Bedingfield cũng nhắc lại quan điểm của Nhà Trắng phản đối việc lập vùng cấm bay ở Ukraina do điều này sẽ có nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.

Vòng đàm phán giữa Nga và Ukraina tại Istanbul hôm 29.3 được nhiều người coi là dấu hiệu cho thấy, các bên đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận.

Các nhà đàm phán hàng đầu cho hay, Ukraina đã sẵn sàng gác lại tham vọng gia nhập NATO, cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự và quân đội, hoặc tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Kiev muốn Nga không phản đối việc một ngày nào đó họ gia nhập Liên minh Châu Âu và đã yêu cầu các quốc gia khác đảm bảo an ninh giống như NATO.

Nga tấn công nước láng giềng vào cuối tháng 2, sau khi cáo buộc Ukraina không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014.

Nga yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ cáo buộc rằng nước này đang có kế hoạch chiếm lại Donbass bằng vũ lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn