MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quân đội Ukraina với bệ phóng tên lửa trong một cuộc tập trận chiến thuật mới đây. Ảnh: Quân đội Ukraina

Mỹ và NATO đã chuyển những vũ khí nào tới Ukraina?

Ngọc Vân LDO | 29/01/2022 11:21

Mỹ và NATO công khai cung cấp cho Ukraina vũ khí tấn công hiện đại và triển khai lực lượng bổ sung tới Đông Âu.

Trang bị vũ khí

Sputnik đưa tin, máy bay vận tải quân sự NATO liên tục hạ cánh gần Kiev trong thời gian gần đây. Liên minh triển khai lực lượng bổ sung tới Đông Âu, những bức ảnh về quân nhân phương Tây trên đường liên lạc ở Donbass lan truyền trên mạng xã hội.

Các nước NATO cáo buộc Nga có "ý đồ gây hấn" và đẩy Kiev vào con đường xung đột bằng cách hỗ trợ quân sự - kỹ thuật. Mỹ tích cực nhất trong việc trang bị vũ khí cho Ukraina.

Chỉ từ ngày 22 đến ngày 25.1, Mỹ đã đưa tới Ukraina 250 tấn hàng hóa quân sự. Danh mục cung cấp rộng hơn nhiều so với trước đây. Ngoài 300 tên lửa chống tăng Javelin, súng carbine và súng bắn tỉa cỡ nòng lớn, còn có các bệ phóng tên lửa dùng một lần M141 Bunker Defeat Munition. Loại vũ khí này dùng để phá hoại các boongke, hầm đào và các công sự dã chiến cố định khác.

Thủy quân lục chiến Mỹ bắn thử M141 tại Căn cứ Quantico ở Virginia, vào ngày 20.11.2013. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ

M141 tỏ ra rất xuất sắc ở Afghanistan, khi lính thủy đánh bộ Mỹ dọn sạch quần thể hang động Tora Bora khỏi tay Taliban và các tay súng al-Qaeda. Cho đến nay, lực lượng vũ trang Ukraina mới có rất ít vũ khí như vậy, chỉ khoảng 100 chiếc.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc bàn giao hàng chục tấn đạn dược nhiều cỡ nòng, áo giáp, thiết bị nhìn đêm, điện đài và radar phản lực.

Vương quốc Anh cung cấp cho Ukraina 2.000 tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới NLAW (Next Generation Light Anti-tank Weapon), hoạt động theo nguyên tắc "bắn và quên": Xạ thủ chỉ cần giữ vật thể mục tiêu trong khung ngắm vài giây và nhấn cò. Hệ thống sẽ tự động thực hiện các chỉnh sửa cần thiết.

Tuy nhiên, không phải ai ở Ukraina cũng hào hứng với món quà này. Cựu nhân viên Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) Vladimir Mulyk nói với các phóng viên rằng, súng phóng lựu sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2022.

Các nước Baltic và Đông Âu không đứng ngoài cuộc. Cộng hòa Czech sẽ sớm đưa một lô lớn đạn pháo 152 ly sang Ukraina, vốn đang thiếu hụt. Ngoài ra, Mỹ cho phép Latvia và Litva gửi máy tầm nhiệt và hệ thống phòng không di động Stinger cho Ukraina.

Canada, Ba Lan và Hà Lan cũng gấp rút giúp Ukraina vật tư quân sự. Trong khi đó Đức - một trong những quốc gia mạnh nhất NATO - đã có quan điểm chính thức từ chối cung cấp vũ khí sát thương, chỉ giới hạn ở mức 5.000 mũ bảo hiểm. Đại sứ Ukraina tại Đức Andriy Melnyk đã công khai thúc giục chính quyền Berlin cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.

Thụy Điển cũng từ chối yêu cầu hỗ trợ quân sự của Ukraina. Theo Ngoại trưởng Ann Linde, vương quốc này không xuất khẩu vũ khí, khí tài và trang thiết bị cho các quốc gia đang trong tình trạng xung đột vũ trang.

Quân đội Ukraina. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraina

Điều động quân đội

Theo lời Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, thay vì đối thoại và tìm kiếm điểm chung, thì Mỹ và NATO lại thực hành một quan điểm thiên vị không liên quan gì đến thực tế, thổi phồng nguy cơ Nga xâm lược Ukraina.

"Nuôi dưỡng tâm lý sợ hãi Nga khi nói về việc tập trung quân đội Nga gần như là nguyên nhân sâu xa của mọi vấn đề. NATO quên làm rõ là ở đây đang nói về lực lượng Nga trên lãnh thổ Nga, điều này trái ngược với việc vũ khí Mỹ, NATO và vô số cố vấn đã tràn ngập Ukraina và một số quốc gia khác gần biên giới Nga" - Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc nói.

Mới đây, những bức ảnh về các binh sĩ Mỹ đã giải ngũ đang kiểm tra các vị trí của quân đội Ukraina gần giới tuyến liên lạc ở Donbass được lan truyền trên mạng xã hội.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi tháng 12 cho biết, hơn 120 cố vấn từ các công ty quân sự tư nhân phương Tây đã được triển khai đến Donbass.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn