MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỹ yêu cầu Nga không công khai phản hồi về Ukraina

Ngọc Vân LDO | 27/01/2022 10:33
Nga đã nhận phản hồi của Mỹ đối với các đề xuất an ninh liên quan Ukraina, song Washington yêu cầu Mátxcơva không công khai nội dung phản hồi.

RT đưa tin, tối 26.1, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã nhận được phản hồi của Mỹ đối với các đề xuất trước đó của họ liên quan đến an ninh tập thể ở Châu Âu. 

Đại sứ Mỹ John Sullivan đã đưa ra phản hồi từ cả Washington và NATO về dự thảo hiệp ước song phương của Nga được công bố vào giữa tháng 12. Mátxcơva đề xuất tám điểm trong dự thảo và mong đợi câu trả lời chi tiết cho từng điểm.

Mỹ được yêu cầu ngừng bất kỳ sự mở rộng nào của NATO sang phía đông; ngừng các chương trình quân sự ở những nước thuộc Liên Xô cũ không phải là thành viên NATO; cam kết "không bao giờ" kết nạp Ukraina và Gruzia; loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Châu Âu; và không triển khai bất kỳ vũ khí tấn công nào có khả năng nhắm vào Nga dọc theo biên giới của nước này. Mátxcơva yêu cầu những đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả những vấn đề nêu trên.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, sau khi nhận được phản hồi của Mỹ, Bộ Ngoại giao sẽ làm việc với các bộ ngành khác để đưa ra đề xuất cho Tổng thống Vladimir Putin về các bước tiếp theo liên quan đến an ninh của Nga.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu Nga không công khai phản hồi an ninh của Washington. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tiết lộ danh sách các yêu cầu ngoại giao được gửi tới người đồng cấp Sergei Lavrov để đáp lại các đề xuất an ninh của Nga, mô tả phản hồi là một "con đường ngoại giao nghiêm túc phía trước, nếu Nga lựa chọn".

Xe tăng T-72B3 của Nga diễn tập tại Rostov hồi tháng 12.2021. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 26.1, trong khi nêu lại một số luận điểm của Washington về cuộc đối đầu ở Ukraina, ông Blinken từ chối đi vào chi tiết cụ thể, cho rằng “cơ hội tốt nhất để ngoại giao thành công là đàm phán mật”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ mô tả tài liệu phản hồi này đề cập đến "các nguyên tắc cốt lõi" mà Washington quyết tâm duy trì, chẳng hạn như "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, và quyền của các quốc gia được lựa chọn các thỏa thuận an ninh và liên minh của riêng họ".

Các vấn đề khác được đề cập bao gồm "các biện pháp minh bạch có đi có lại liên quan đến vị thế Ukraina", "các biện pháp tăng cường lòng tin liên quan đến các cuộc tập trận và diễn tập quân sự ở Châu Âu", cũng như "kiểm soát vũ khí liên quan đến tên lửa ở Châu Âu" và "một thỏa thuận tiếp theo đối với Hiệp ước START bao gồm tất cả các loại vũ khí hạt nhân”. Năm ngoái, Mỹ và Nga đã gia hạn Hiệp ước START mới thêm 5 năm, có nghĩa là thỏa thuận cắt giảm vũ khí cuối cùng còn lại giữa hai quốc gia sẽ hết hạn vào tháng 2.2026.

Ngoại trưởng Blinken khẳng định, Mỹ “để ngỏ đối thoại” và “ủng hộ biện pháp ngoại giao hơn”, với điều kiện “Nga giảm leo thang căng thẳng với Ukraina”. Ông Blinken cho biết, NATO cũng đã có văn bản phản hồi riêng cho Nga.

Bất chấp nhấn mạnh vào biện pháp ngoại giao, Ngoại trưởng Blinken nói rằng Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraina vào năm 2022 nhiều hơn so với bất kỳ năm nào trước đó, cũng như ủy quyền cho các đồng minh NATO chuyển vũ khí của riêng họ tới các quốc gia Đông Âu. Mỹ và NATO cũng đã di chuyển hoặc kích hoạt hàng nghìn binh sĩ và các nguồn lực quân sự khác trong khu vực trong trường hợp xảy ra cái mà họ cáo buộc là "một cuộc xâm lược gần như không thể tránh khỏi của Nga".

Ông Blinken đã gặp ông Lavrov vào tuần trước để thảo luận về danh sách toàn diện về các đảm bảo an ninh mà Nga đưa ra vào tháng trước, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hôm 24.1 rằng sẽ không đưa ra bất kỳ “nhượng bộ” nào đối với Nga mà không có lợi cho cả hai quốc gia. Trong số này có một điểm mấu chốt đặc biệt là việc Nga kiên quyết yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía đông, một đảm bảo mà Washington từ chối xem xét.

Ngoại trưởng Blinken hy vọng sẽ có cuộc đàm phán lại với người đồng cấp Nga trong những ngày tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn