MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA, đã đến điểm đỗ trọng trường trên quỹ đạo quanh mặt trời vào ngày 24.1, cách Trái đất gần 1 triệu dặm. Ảnh: NASA

NASA đưa “con mắt mới” của loài người tới đích trên quỹ đạo mặt trời

Anh Vũ LDO | 25/01/2022 09:54
Kính viễn vọng James Webb, được NASA thiết kế để nhìn về các giai đoạn đầu tiên của vũ trụ, đã đi đến đích của nó trên quỹ đạo mặt trời.

Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA đã đến điểm đỗ trọng trường cách Trái đất gần 1,6 triệu kilomet trên quỹ đạo quanh mặt trời vào ngày 24.1, Reuters đưa tin 

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ cho biết, với thao tác điều chỉnh hành trình cuối cùng bằng động cơ tên lửa đẩy trên tàu, James Webb đã đến vị trí quỹ đạo ổn định giữa Trái đất và mặt trời được gọi là Lagrange Point Two, hay L2, một tháng sau khi phóng.

Các động cơ đẩy được nhóm kỹ sư điều khiển sứ mệnh tại Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian ở Baltimore kích hoạt. Nhóm nghiên cứu mặt đất cũng đã sử dụng tín hiệu vô tuyến để xác nhận rằng kính viễn vọng đã được "chèn" thành công vào quỹ đạo L2.

Từ vị trí thuận lợi trong không gian, kính viễn vọng James Webb sẽ đi theo một quỹ đạo đặc biệt liên tục thẳng hàng với Trái đất. Điều này giúp hành tinh và kính viễn vọng quay quanh Mặt trời một cách song song, cho phép liên lạc vô tuyến không bị gián đoạn.

Để so sánh, Kính viễn vọng Không gian Hubble, người tiền nhiệm 30 năm tuổi của Webb, đang quay quanh Trái đất từ ​​khoảng cách 547 km, và bị ảnh hưởng bởi bóng của hành tinh cứ sau 90 phút.

Trung tâm điều hành sứ mệnh cũng đã bắt đầu tinh chỉnh gương chính của kính thiên văn - một bộ phận gồm 18 phân đoạn lục giác bằng kim loại berili bọc vàng có chiều ngang 6,5 mét, lớn hơn nhiều so với gương chính của Hubble.

Kích thước và thiết kế nhằm hoạt động chủ yếu trong quang phổ hồng ngoại sẽ cho phép Webb nhìn xuyên qua các đám mây khí, bụi và quan sát các vật thể ở khoảng cách xa hơn so với Hubble hoặc bất kỳ kính thiên văn nào khác.

Những đặc điểm này được kỳ vọng sẽ mở ra một cuộc cách mạng trong thiên văn học, mang đến cái nhìn đầu tiên về các thiên hà trẻ sơ sinh có niên đại chỉ 100 triệu năm sau Vụ nổ lớn, điểm chớp lý thuyết đặt ra sự giãn nở của vũ trụ ước tính khoảng 13,8 tỷ năm trước.

Các công cụ của Webb cũng trở nên lý tưởng để tìm kiếm các dấu hiệu của bầu khí quyển có khả năng hỗ trợ sự sống của các hành tinh mới được ghi nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn