MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - đang vất vả đối phó với lạm phát cao nhất 50 năm. Ảnh chụp màn hình

Nền kinh tế hàng đầu EU lạm phát cao nhất 5 thập kỷ

Hải Anh LDO | 31/05/2022 15:26
Lạm phát ở nền kinh tế hàng đầu EU đã lên đến 7,9%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.

Mức lạm phát kỷ lục ở Đức được văn phòng thống kê Đức Destatis công bố ngày 30.5. 

Lạm phát tăng cao ở Đức diễn ra trong bối cảnh xung đột ở Ukraina và các lệnh trừng phạt chưa từng có với Nga. Giá năng lượng tăng cao đã tác động đáng kể đến lạm phát ở Đức kể từ cuối tháng Hai.

Ngoài ra, một yếu tố khác góp phần đẩy lạm phát ở Đức lên cao như vậy là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra, theo Destatis. 

Giá năng lượng ở Đức đã tăng 38,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thực phẩm tăng 11,1%.

Giá tiêu dùng ở Đức trong tháng 5 đã tăng 0,9% theo tiêu chuẩn quốc gia và tăng 1,1% theo tiêu chuẩn EU. Destatis dự kiến công bố kết quả cuối cùng của tháng 5 vào ngày 14.6, RT cho hay.

Điều này gây thêm sức ép lên Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong việc bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ. Tuần trước, chủ tịch ECB Christine Lagarde ra tín hiệu rằng lãi suất âm của khu vực đồng euro sẽ kết thúc trong vòng vài tháng, theo Guardian.

Lạm phát ở Đức đang đạt mức cao nhất mọi thời đại. Ảnh chụp màn hình.

Bloomberg cho hay, ngoài lạm phát của Đức ở mức cao nhất mọi thời đại, Tây Ban Nha cũng báo cáo lạm phát tăng tốc bất ngờ lên mức kỷ lục 8,5%, vượt xa ước tính của các nhà kinh tế, bất chấp sự hỗ trợ của chính phủ bao gồm trợ cấp nhiên liệu và tăng lương tối thiểu.

Báo cáo về lạm phát Đức được công bố chỉ 10 ngày trước cuộc họp quan trọng của ECB, nơi các quan chức sẽ công bố kết thúc mua tài sản quy mô lớn và xác nhận kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 7  - lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Một số nhà hoạch định chính sách thậm chí đã đưa ra ý tưởng về việc tăng nửa điểm, thay vì 1/4 điểm như hầu hết các nhà hoạch định chính sách ủng hộ. 

Dữ liệu lạm phát tăng sức ép lên các chính phủ khi các hộ gia đình siết chặt chi tiêu hơn. Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner gọi cuộc chiến chống giá cả tăng cao là “ưu tiên hàng đầu”. Ông nhấn mạnh: "Lạm phát là một rủi ro kinh tế to lớn". 

Tại Đức, Hạ viện đã thông qua một gói các biện pháp hỗ trợ bao gồm thanh toán tiền mặt 1 lần, giảm hóa đơn điện... 

Thủ tướng Olaf Scholz đã ra tín hiệu có thể triển khai thêm nhiều động thái khác nếu cần để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Nhà kinh tế Friedrich Heinemann của ZEW chỉ ra, khi lạm phát hiện gần đạt đến đỉnh điểm, thì mức độ tác động với các hộ gia đình vẫn chưa kết thúc. “Người tiêu dùng sẽ phải tính đến việc tăng giá thêm nữa vì nhiều nguyên liệu đầu vào vẫn khan hiếm và giá bán buôn vẫn đang tăng chóng mặt” - ông chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn