MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nga dọa cắt khí đốt cho Châu Âu, cảnh báo giá dầu vọt hơn 300 USD

Thanh Hà LDO | 08/03/2022 11:28
Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho Châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 để đáp lại các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina, động thái có thể làm tăng hỗn loạn trên thị trường năng lượng và khiến giá tiêu dùng tăng cao hơn nữa.

Nga có quyền thực hiện các động thái phản đòn các biện pháp trừng phạt áp đặt với nền kinh tế Nga, Phó Thủ tướng Alexander Novak - người phụ trách các vấn đề năng lượng - phát biểu ngày 7.3. 

Phó Thủ tướng Nga cho biết, vẫn chưa có quyết định ngừng hoạt động Nord Stream 1 và đường ống hiện hoạt động "hết công suất". Ông lưu ý, một lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga cũng sẽ gây ra những hậu quả "thảm khốc".

“Lệnh cấm với dầu của Nga sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc cho thị trường toàn cầu. Giá tăng đột biến sẽ không thể đoán định được - hơn 300 USD mỗi thùng, nếu không muốn nói là hơn” - ông Novak cảnh báo. 

Theo truyền thông Nga, Phó Thủ tướng Novak nói thêm rằng không thể nhanh chóng thay thế dầu của Nga trên thị trường Châu Âu. “Sẽ mất hơn một năm và dầu sẽ đắt hơn nhiều đối với người tiêu dùng Châu Âu" - ông nói.

Trong diễn biến khác, hai nguồn tin của Reuters cho hay, Mỹ sẵn sàng hành động trước trong cấm nhập khẩu dầu của Nga mà không có sự tham gia của các đồng minh Châu Âu. 

Tổng thống Joe Biden đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Anh trong ngày 7.3 để tìm kiếm sự ủng hộ của những nước này với lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Nhà Trắng cũng đang đàm phán với các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ, những người đang làm việc về văn bản luật trong đó cấm nhập khẩu của Nga, động thái buộc chính quyền phải làm việc theo một lịch trình khẩn cấp, nguồn tin giấu tên tiết lộ với Reuters. 

Một quan chức cấp cao của Mỹ, cũng giấu tên, cho hay, chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra nhưng "có khả năng chỉ có Mỹ nếu điều đó xảy ra". 

Đức, nước mua dầu thô lớn nhất của Nga, đã bác bỏ kế hoạch cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Ngày 7.3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết,  Đức đang đẩy nhanh kế hoạch mở rộng việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế nhưng không thể ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga trong một sớm một chiều.

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do sự chậm trễ trong khả năng quay trở lại thị trường toàn cầu của dầu thô Iran và khi Mỹ và các đồng minh Châu Âu xem xét cấm nhập khẩu của Nga.

Châu Âu phụ thuộc vào Nga về dầu thô và khí đốt nhưng đã cởi mở hơn với ý tưởng cấm các sản phẩm của Nga. Mỹ phụ thuộc ít hơn vào dầu thô và các sản phẩm của Nga, nhưng lệnh cấm sẽ khiến giá dầu bị đẩy lên cao và gây sức ép với người tiêu dùng Mỹ. 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tiết lộ trong thư ngày 6.3 rằng Hạ viện đang xem xét luật cấm nhập khẩu dầu khí Nga và Quốc hội dự kiến ban hành khoản viện trợ 10 tỉ USD cho Ukraina trong tuần này. 

Ngày 4.3, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đã soạn dự lật cấm nhập khẩu dầu của Nga. Dự luật của Thượng viện đang được thúc đẩy nhanh chóng. 

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraina, Nhà Trắng đã áp đặt các lệnh trừng phạt với xuất khẩu công nghệ cho các nhà máy lọc dầu của Nga và đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. 

Đến nay, Mỹ ngừng nhắm mục tiêu vào xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cân nhắc các tác động với thị trường dầu toàn cầu và giá năng lượng của Mỹ. 

Khi được hỏi liệu Mỹ có loại trừ việc đơn phương cấm nhập khẩu dầu của Nga hay không, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói ngày 6.3 rằng không loại trừ khả năng áp dụng biện pháp này theo các cách thức khác nhau. 

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng không phủ nhận việc ông Biden có thể sẽ công du Saudi Arabia trong bối cảnh Washington tìm cách để Riyadh tăng cường sản xuất năng lượng. Theo Axios, chuyến công du này có khả năng sẽ diễn ra. Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng nói rằng đây là suy đoán và chưa có chuyến đi nào được lên lịch. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn