MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy Azovstal ở Mariupol, Ukraina. Ảnh: Sputnik

Nga gia hạn tối hậu thư ở Mariupol yêu cầu lính Ukraina đầu hàng

Song Minh LDO | 20/04/2022 20:10
Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục gia hạn tối hậu thư yêu cầu các lực lượng Ukraina ở thành phố Mariupol đầu hàng.

RT đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga gia hạn tối hậu thư yêu cầu các lực lượng Ukraina còn lại đang ẩn náu tại nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol đầu hàng sau khi họ từ chối rời khỏi hành lang nhân đạo hôm 19.4.

Các quan chức Nga cho biết, những người có mặt tại địa điểm trên vẫn có thể rời đi từ 14h00 giờ Mátxcơva ngày 20.4, không mang theo người vũ khí hoặc đạn dược.

“Phía Nga đảm bảo tính mạng, sự an toàn hoàn toàn và cung cấp hỗ trợ y tế đầy đủ cho tất cả những người hạ vũ khí" - Bộ Quốc phòng Nga nói.

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, Nga đã nhiều lần chứng minh tinh thần nhân đạo với những binh lính Ukraina đầu hàng và lần này điều khoản của Công ước Geneva về tù binh chiến tranh cũng sẽ được thực thi.

Để có thể rời nhà máy thép, các chỉ huy Ukraina bên trong được yêu cầu thiết lập liên lạc vô tuyến liên tục với các lực lượng Nga, ngừng mọi hành động thù địch và giương cao cờ trắng dọc theo chu vi nhà máy Azovstal.

Đề nghị hạ vũ khí dành cho "các chiến binh của các tiểu đoàn dân tộc chủ nghĩa và lính đánh thuê nước ngoài" đang được nhắc lại mặc dù "chính quyền Kiev không có bất kỳ bước cơ bản nào nhằm cứu binh sĩ của đất nước họ" - tuyên bố viết.

Các thành viên của tiểu đoàn Azov đã có cơ hội đầu hàng vào ngày 17 và 19.4 nhưng đã không nhận lời đề nghị trong cả hai lần.

Các lực lượng Ukraina đang cố thủ trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Ảnh: Sputnik

Các liên lạc từ nhà máy Azovstal cho thấy các chỉ huy Ukraina “nhận ra sự vô vọng của tình hình và sẵn sàng hạ vũ khí, nhưng chỉ khi có lệnh thích hợp từ Kiev”, tuy nhiên chính quyền Ukraina từ chối đưa ra - Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh. Việc đầu hàng mà không có sự chấp thuận của chính phủ có thể khiến họ bị đưa ra tòa, với mức án cao nhất là tử hình.

Mátxcơva một lần nữa thúc giục Kiev "thể hiện ý thức chung, đưa ra các chỉ dẫn thích hợp để các chiến binh ngừng kháng cự vô nghĩa và thoát ra ngoài bằng các hành lang nhân đạo”.

Nếu mệnh lệnh như vậy không được ban lãnh đạo Ukraina một lần nữa đưa ra, thì các chỉ huy hoặc quân nhân bình thường nên tự đưa ra quyết định hạ vũ khí để tồn tại - Bộ Quốc phòng Nga nói thêm.

Thành phố chiến lược Mariupol đã chứng kiến ​​cuộc giao tranh ác liệt nhất trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraina và đã bị tàn phá nặng nề. Hiện Mariupol gần như hoàn toàn do quân Nga kiểm soát, trừ nhà máy Azovstal vẫn là nơi cuối cùng của quân kháng chiến Ukraina.

Những người ẩn náu tại nhà máy thép, với mạng lưới đường hầm khổng lồ, đang thiếu nước và lương thực. Theo ước tính của Nga, tổn thất của Ukraina tại Mariupol đã lên tới khoảng 4.000 chiến binh.

Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào cuối tháng 2, sau khi cáo buộc Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 và cuối cùng là sự công nhận của Mátxcơva đối với các nước cộng hòa Donbass tự xưng là Donetsk và Lugansk. Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai quy chế đặc biệt ở Ukraina.

Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa ở Donbass bằng vũ lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn