MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky định trưng cầu dân ý các thoả hiệp với Nga. Ảnh: Twitter

Nga phản hồi về điều kiện thỏa hiệp của Ukraina

Song Minh LDO | 23/03/2022 10:53
Nga tuyên bố việc Ukraina định đưa ra trưng cầu dân ý các thỏa hiệp sẽ gây tổn hại cho các cuộc đàm phán.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm 21.3 cho biết, bất kỳ thỏa hiệp "lịch sử" nào mà các nhà đàm phán của ông đã đồng ý sẽ phải được cả nước chấp thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Mátxcơva hôm 22.3 phản hồi rằng điều kiện trưng cầu dân ý của Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ chỉ làm tổn hại đến các cuộc đàm phán nhằm mục đích chấm dứt xung đột giữa hai nước. Nga đã phát động một cuộc tấn công quân sự vào nước láng giềng vào cuối tháng trước.

RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc đưa các điều khoản ra trước công chúng vào thời điểm này chỉ có thể làm suy yếu các cuộc đàm phán vốn đang diễn ra chậm hơn rất nhiều và ít thực chất hơn những gì chúng tôi mong muốn”.

Trả lời câu hỏi liên quan đến yêu cầu của Nga về bảo đảm an ninh cho hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass và công nhận Crimea - bán đảo đã bỏ phiếu gia nhập Nga vào năm 2014, Tổng thống Zelensky nói với đài truyền hình công cộng Ukraina hôm 21.3: “Người dân sẽ có tiếng nói của họ và đưa ra câu trả lời về thỏa hiệp. Và thỏa hiệp sẽ như thế nào là chuyện của đàm phán giữa Ukraina và Nga”.

Nhà lãnh đạo Ukraina trước đó đã đề xuất nhiều cuộc trưng cầu dân ý nhưng chưa bao giờ có kết quả.

Quân đội Ukraina ở thủ đô Kiev ngày 21.3.2022. Ảnh: AFP

Các phái đoàn Nga và Ukraina đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus trước khi chuyển sang thảo luận trực tuyến nhằm đẩy nhanh tiến trình.

Tổng thống Zelensky nhắc lại rằng Kiev đang tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ Nga và phương Tây. Trong khi đó, Mátxcơva muốn Ukraina chính thức trở thành một quốc gia trung lập, từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO - khối quân sự do Mỹ đứng đầu mà Nga coi là một mối đe dọa.

Nga cũng muốn "phi quân sự hóa" Ukraina, cũng như muốn Kiev công nhận Crimea là một phần của Nga, và các nước cộng hòa ly khai ở Donetsk và Lugansk là các quốc gia độc lập.

Crimea - được chuyển giao cho Kiev kiểm soát khi cả hai nước còn thuộc Liên Xô - đã bỏ phiếu rời Ukraina và sáp nhập Nga ngay sau cuộc đảo chính năm 2014 ở Kiev, lật đổ một chính phủ dân cử. Các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass tách khỏi Ukraina cùng năm này.

Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraina vào ngày 24.2, sau 7 năm bế tắc do Kiev bị cáo buộc không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk - thoả thuận do Đức và Pháp làm trung gian.

Hiện Nga đã yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố họ đã lên kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass bằng vũ lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn