MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nga phát biểu ngày 7.4 tại Hạ viện. Ảnh: AFP

Nga thừa nhận đang khó khăn nhất từ khi Liên Xô tan rã

Thanh Hà LDO | 08/04/2022 09:38
Nga đang đối mặt với tình trạng khó khăn nhất trong 3 thập kỷ do các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây, Thủ tướng Mikhail Mishustin thừa nhận ngày 7.4. 

Thủ tướng Nga Mishustin cho hay: "Không nghi ngờ gì nữa, tình hình hiện tại có thể được gọi là khó khăn nhất với Nga trong 3 thập kỷ. Các biện pháp trừng phạt như vậy đã không được sử dụng ngay cả trong thời kỳ đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh". 

Thủ tướng Nga cũng tin tưởng, những nỗ lực của nước ngoài nhằm cô lập nước này khỏi nền kinh tế toàn cầu sẽ thất bại. 

Các nước phương Tây đang từng bước mở rộng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm buộc Nga chấm dứt hoạt động quân sự ở Ukraina và rút các lực lượng của nước này khỏi lãnh thổ nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ. 

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã loại Nga khỏi mạng lưới tài chính toàn cầu và khiến một số ngân hàng hàng đầu của nước này không có quyền truy cập vào hệ thống nhắn tin liên ngân hàng toàn cầu SWIFT. Trong khi đó, một số thương nhân bắt đầu từ chối vận chuyển dầu của Nga, làm tăng thêm sức ép tài chính với Mátxcơva. 

Trước lệnh trừng phạt gần đây, Nga đã dự kiến thặng dư ngân sách tới 1,3 nghìn tỉ rúp (17 tỉ USD) trong năm nay, bằng 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ngày 7.4, ông Mishustin cho biết Nga sẽ dành tất cả những gì có thể thu được trong năm nay cho viện trợ nhà nước.

Cho đến nay, chính phủ Nga đã cam kết hỗ trợ chống khủng hoảng hơn 1 nghìn tỉ rúp cho các doanh nghiệp, cho các khoản thanh toán xã hội và cho các gia đình có trẻ nhỏ, trong đó 250 tỉ rúp sẽ được chi cho viện trợ nhà nước cho ngành đường sắt Nga.

Nga đã áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn để đáp trả lệnh trừng phạt, khiến các nhà đầu tư nước ngoài gần như không thể bán tài sản của họ, cả công nghiệp và tài chính, nếu những nhà đầu tư đó quyết định rút khỏi Nga. 

"Nếu các vị phải rời đi, hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục vì nó cung cấp việc làm. Công dân của chúng tôi làm việc ở đó" - Thủ tướng Mishustin nhấn mạnh. 

Điện Kremlin đã đề cập tới khả năng quốc hữu hóa tài sản do các nhà đầu tư phương Tây kiểm soát nếu các nhà đầu tư đó rút đi. 

Thủ tướng Nga Mishustin cho hay, việc một số công ty rời đi đang chuyển giao cổ phần cho các công ty Nga mang lại nhiều cơ hội kinh doanh mới. 

"Hệ thống tài chính của chúng tôi, huyết mạch của toàn bộ nền kinh tế, đã được giữ vững. Thị trường chứng khoán và đồng rúp đang ổn định" - ông nhấn mạnh. 

Ngày 5.4, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất các biện pháp tiếp theo để trừng phạt Nga, bao gồm lệnh cấm mua than của Nga, cấm các tàu Nga cập cảng của EU, đồng thời đang tiến hành cấm nhập khẩu dầu của Nga. 

Trong diễn biến khác, ngày 7.4, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, thừa nhận quân đội Nga đã chịu "tổn thất đáng kể" trong chiến sự Ukraina. “Chúng tôi có thiệt hại đáng kể về quân số. Đó là một tổn thất lớn với chúng tôi" - ông Peskov nói trong cuộc phỏng vấn trực tiếp với Sky News.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn