MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trấn khai thác mỏ Barentsburg trên quần đảo Svalbard là nơi có đông đảo người Nga sinh sống. Ảnh: AFP

Người Nga ở Bắc Cực đối mặt với sự phong tỏa của Na Uy

Song Minh LDO | 29/06/2022 10:34
Na Uy chặn nguồn cung cấp cho người Nga ở Bắc Cực, viện dẫn các lệnh trừng phạt của EU.

Người Nga ở quần đảo Svalbard tại Bắc Cực đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt sau khi chính quyền Na Uy giữ lại hơn 20 tấn hàng tiếp tế ở cảng Storskog, với lý do EU trừng phạt Nga vì cuộc xung đột ở Ukraina. Bộ Ngoại giao Na Uy hôm 28.6 thừa nhận rằng đơn xin miễn trừ nhân đạo của Nga đã bị từ chối.

Đơn xin cấp phép đặc biệt do đại sứ quán Nga và công ty khai thác mỏ Arktikugol đệ trình đã bị từ chối vào ngày 15.6 - đài truyền hình quốc gia Na Uy NRK đưa tin hôm 28.6.

Công ty Arktikugol điều hành hoạt động khai thác mỏ ở thị trấn Barentsburg, nơi sinh sống của đông đảo công dân Nga. Quần Svalbard đảo nằm giữa vòng Bắc Cực và cực Bắc này có chưa đến 3.000 cư dân và thuộc quyền tài phán của Na Uy trong khoảng một thế kỷ.

Bà Siri R. Svendsen - cố vấn truyền thông của Bộ Ngoại giao Na Uy - nói với NRK, luật của Na Uy được áp dụng ở Barentsburg, mặc dù cư dân tại đây chủ yếu là người Nga. Do đó, bà cho biết, hàng hóa đi đến quần đảo này phải chịu các lệnh trừng phạt Nga của EU.

Barentsburg dựa vào một con tàu duy nhất chở hàng từ Tromsø đến các đảo cứ 10 ngày một lần. Trước đây, các nguồn cung cấp của Nga được chở bằng xe tải từ Murmansk và chất lên phà. Tuy nhiên, Na Uy đã chặn hàng hóa tại cửa khẩu Storskog với Nga.

Công ty Arktikugol lo ngại một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Barentsburg nếu hàng hóa không được phép đi qua, theo một bức thư mà công ty gửi cho các nhà chức trách Na Uy vào tháng trước. Tổng lãnh sự Nga Sergey Gushchin nói với NRK rằng, trái cây, rau, bột mì và sữa đang cạn kiệt, nhưng mô tả tình hình hiện tại là "ổn định". Tuy nhiên, phụ tùng, thiết bị y tế và kỹ thuật cũng bị chặn ở biên giới.

Thống đốc Svalbard Lars Fause nói với đài truyền hình quốc gia: “Tôi có thể đảm bảo rằng không ai bị tổn hại theo bất kỳ hướng nào miễn là Na Uy có toàn quyền và hoàn toàn kiểm soát quần đảo. Chính phủ đang đối thoại liên tục với công ty Arktikugol".

Svalbard từng là tâm điểm căng thẳng ngoại giao giữa Mátxcơva và Oslo trước đây, khi Na Uy thắt chặt các yêu cầu nhập cảnh theo lệnh trừng phạt của EU với Nga sau chuyến thăm năm 2015 của một quan chức cấp cao Nga. Nga cáo buộc động thái này vi phạm hiệp ước năm 1920 thiết lập quyền cai trị của Na Uy đối với quần đảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn