MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nước láng giềng Ukraina triển khai hệ thống phòng không của NATO

Ngọc Vân LDO | 21/03/2022 08:14

Slovakia, nước láng giềng của Ukraina, đã triển khai hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad thông báo, các thành phần của hệ thống phòng không Patriot của NATO bắt đầu đến Slovakia hôm 20.3 và việc triển khai dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong những ngày tới.

Theo RT, hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất được vận chuyển tới Slovakia như một phần trong nỗ lực của NATO nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia thành viên Đông Âu để đối phó với chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga ở Ukraina. Slovakia, nước thành viên của cả NATO và EU, có dân số 5,5 triệu người và có chung đường biên giới dài 100km với Ukraina.

“Hệ thống sẽ được triển khai tạm thời tại căn cứ không quân Sliac. Các khu vực triển khai tiếp theo đang được xem xét... để chiếc ô an ninh bao phủ phần lớn nhất có thể của lãnh thổ Slovakia” - Bộ trưởng Nad viết trong một bài đăng trên Facebook.

Hệ thống Patriot được hai thành viên NATO là Đức và Hà Lan cung cấp cho Slovakia, và sẽ được quân đội các nước này vận hành. Nhóm chiến đấu của NATO tại Slovakia dự kiến ​​lên tới 2.100 người.

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho hay, Patriot sẽ không thay thế S-300 từ thời Liên Xô của Slovakia, mà đóng vai trò như một yếu tố bổ sung cho hệ thống phòng không của nước này. Tuy nhiên, ông nhắc lại việc Bratislava sẵn sàng triển khai một hệ thống khác vì “tuổi đời, tình trạng kỹ thuật (và) không đủ khả năng” của S-300, và do xung đột Ukraina đã khiến việc hợp tác quân sự với Nga trở nên “không thể chấp nhận được”.

Tuần trước, Bộ trưởng Nad tuyên bố Slovakia sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Ukraina và bàn giao tên lửa phòng không S-300 của mình cho Kiev, nhưng chỉ khi nào được cung cấp hệ thống thay thế thích hợp. 

Trong khi đó, Nga cảnh báo phương Tây không nên gửi các hệ thống phòng không tiên tiến đến Ukraina, đồng thời nói rằng các chuyến hàng sẽ bị nhắm mục tiêu và bị phá hủy.

Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraina vào ngày 24.2, sau 7 năm bế tắc do Kiev bị cáo buộc không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk - thoả thuận do Đức và Pháp làm trung gian.

Hiện Nga đã yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố họ đã lên kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass bằng vũ lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn