MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm kiếm khoản hỗ trợ 33 tỉ USD cho Ukraina. Ảnh: AFP

Ông Biden yêu cầu Quốc hội Mỹ tài trợ thêm 33 tỉ USD cho Ukraina

Khánh Minh LDO | 29/04/2022 09:49
Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu Quốc hội nước này tài trợ thêm 33 tỉ USD để hỗ trợ Ukraina trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. 

Một phần lớn của gói 33 tỉ USD được dành cho viện trợ quân sự và an ninh bổ sung, trong khi phần còn lại sẽ được sử dụng cho hỗ trợ kinh tế và nhân đạo.

“Chính quyền đang yêu cầu 20,4 tỉ USD hỗ trợ quân sự và an ninh bổ sung cho Ukraina và cho các nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường an ninh Châu Âu, hợp tác với các đồng minh NATO và các đối tác khác trong khu vực” - Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.

Tiết lộ về gói tài trợ trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 28.4, Tổng thống Biden nói rằng việc các nhà lập pháp thông qua là "rất quan trọng". Ông Biden nói: “Chúng tôi cần dự luật để hỗ trợ Ukraina và cuộc chiến giành tự do của nước này”, đồng thời thừa nhận cái giá phải trả không hề rẻ. 

Theo RT, chính quyền Mỹ muốn gói viện trợ được coi là chi tiêu khẩn cấp để không phải bù đắp bằng việc cắt giảm chi tiêu ở những nơi khác. Ngoài gói viện trợ khổng lồ cho Ukraina, ông Biden cũng đang tìm cách trừng phạt những người Nga giàu có mà chính quyền Mỹ cho là “đầu sỏ”.

“Tôi cũng đang gửi tới Quốc hội một gói toàn diện nhằm nâng cao nỗ lực của chúng tôi để trừng phạt các nhà tài phiệt Nga và đảm bảo rằng chúng tôi tịch thu được những khoản tiền bất chính của họ. Chúng tôi sẽ tịch thu những khoản tiền đó, chúng tôi sẽ tịch thu du thuyền, nhà cửa của họ” - ông Biden tuyên bố.

Nếu được thông qua, các nhà chức trách Mỹ sẽ có thể “hợp lý hóa quy trình thu giữ các tài sản của giới đầu sỏ” để bán những tài sản này và chuyển số tiền thu được cho Ukraina.

Mỹ cung cấp tên lửa chống tăng cơ động FGM-148 Javelin cho Ukraina. Ảnh: AFP

Riêng Mỹ đã viện trợ quân sự hơn 3 tỉ USD cho Ukraina kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào cuối tháng 2. Các đồng minh của Washington cũng đã rót viện trợ kinh tế và quân sự cho Kiev. Một số quan chức phương Tây - bao gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson và nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell - công khai tuyên bố rằng họ muốn Ukraina đánh bại Nga trên chiến trường.

Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên tăng cường viện trợ cho Kiev, nói rằng điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột đang diễn ra và gây thêm thiệt hại cho Ukraina cũng như người dân nước này.

Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào cuối tháng 2, sau khi cáo buộc Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 và cuối cùng là sự công nhận của Mátxcơva đối với các nước cộng hòa Donbass tự xưng là Donetsk và Lugansk. Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai quy chế đặc biệt ở Ukraina.

Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa ở Donbass bằng vũ lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn