MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (trái) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö họp báo ngày 15.5.2022, thông báo Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Ảnh: AFP

Phần Lan xác nhận sẽ gia nhập NATO, từ bỏ nhiều thập kỷ trung lập

Ngọc Vân LDO | 15/05/2022 18:59
Chính phủ Phần Lan ngày 15.5 tuyên bố sẽ nộp đơn gia nhập NATO, từ bỏ hàng thập kỷ trung lập thời chiến.

CNN đưa tin, ngày 15.5, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö họp báo chung tại Phủ Tổng thống ở Helsinki, thông báo rằng Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Động thái này phải được Quốc hội Phần Lan phê chuẩn trước khi Helsinki có thể đệ đơn trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

"Chúng tôi hy vọng rằng Quốc hội sẽ thông qua quyết định xin gia nhập NATO trong những ngày tới, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Phần Lan. Chúng tôi đã liên hệ chặt chẽ với chính phủ của các quốc gia thành viên NATO và chính NATO” - Thủ tướng Marin nói trong cuộc họp báo ở Helsinki.

Động thái này sẽ đưa liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đến biên giới dài 1.340 km của Phần Lan với Nga, nhưng có thể mất nhiều tháng để hoàn thành do các cơ quan lập pháp của tất cả 30 thành viên hiện tại của NATO phải chấp thuận những người nộp đơn mới.

Động thái cũng có nguy cơ kích động phản ứng của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm hôm 14.5 với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã nói rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ là một "sai lầm" - theo một tuyên bố của Điện Kremlin. Cũng trong ngày 14.5, Nga đã cắt nguồn cung cấp điện cho Phần Lan sau các vấn đề trong việc nhận thanh toán.

Kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc, khi Phần Lan bị Liên Xô xâm lược, đất nước này đã không liên kết về quân sự và trên danh nghĩa là trung lập để tránh khiêu khích Nga. Nhưng cuộc xung đột ở Ukraina đã thay đổi tính toán đó.

Tổng thống Niinistö hôm 14.5 đã gọi điện để thông báo cho Tổng thống Putin về ý định gia nhập NATO của Helsinki, nói rằng "những yêu cầu của Nga vào cuối năm 2021 nhằm ngăn các nước gia nhập NATO và cuộc chiến của Nga ở Ukraina vào tháng 2.2022 đã làm thay đổi môi trường an ninh của Phần Lan”.

Thụy Điển cũng bày tỏ sự thất vọng tương tự và dự kiến ​​cũng sẽ có động thái để gia nhập NATO.

Cả hai nước đều đã đáp ứng nhiều tiêu chí để trở thành thành viên NATO, bao gồm có một hệ thống chính trị dân chủ hoạt động dựa trên nền kinh tế thị trường; đối xử công bằng với các nhóm dân tộc thiểu số; cam kết giải quyết các xung đột một cách hòa bình; khả năng và sự sẵn sàng đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO; và cam kết thực hiện các quan hệ và thể chế dân chủ-quân sự.

Tuy nhiên, thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, vốn tự thể hiện mình là trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraina, đã bày tỏ sự dè dặt về việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào liên minh. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông không tích cực nhìn nhận Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, đồng thời cáo buộc cả hai nước là nơi cư trú của các tổ chức khủng bố "người Kurd".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn