MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau thảm hoạ núi lửa và sóng thần, quốc đảo Tonga đã ghi nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên. Ảnh: AFP

Quốc đảo Tonga đối mặt nguy cơ bùng dịch COVID-19 sau thảm họa

Anh Vũ LDO | 04/02/2022 13:51
Sau thảm họa núi lửa và sóng thần, quốc đảo Tonga đã ghi nhận những ca mắc COVID-19 đầu tiên.

Trong hơn hai năm đại dịch COVID-19 lây lan trên khắp thế giới, quốc đảo Tonga ở Thái Bình Dương đã tránh được ảnh hưởng to lớn của căn bệnh nhờ vào vị trí địa lý đặc biệt của mình. Tuy nhiên, vụ phun trào núi lửa và sóng thần vào tháng 1.2022 đã mang đến một thảm hoạ khủng khiếp, đồng thời mở đường cho sự lây lan của COVID-19 tại đất nước này, AP đưa tin.

Quốc đảo Tonga đã bị một lớp tro bụi bao phủ sau vụ núi lửa Hunga Tonga Hunga Ha’apai khổng lồ dưới biển phun trào, sau đó tiếp tục bị sóng thần tấn công hồi đầu tháng 1.

3 người được xác nhận đã thiệt mạng nhưng một số khu định cư nhỏ ở các hòn đảo xa xôi đã bị xóa sổ hoàn toàn khỏi bản đồ và tro núi lửa làm ô nhiễm phần lớn nước uống tại quốc đảo nhỏ bé này.

Quốc gia với dân số 105.000 người chỉ báo cáo một trường hợp mắc COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch. Đó là một nhà truyền giáo trở về hòn đảo này từ Châu Phi qua New Zealand hồi tháng 10.2021.

Nhà chức trách đã phải cân nhắc kỹ lưỡng về việc nhận viện trợ quốc tế vì điều này có thể cho phép virus SARS-COV-2 lây lan tại đây. Sau đó, bất chấp các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt khi nhận viện trợ từ các nước, hai người đàn ông Tonga làm việc tại thủ đô đã cho kết quả xét nghiệm dương tính vào hôm 2.2.

“Rõ ràng là có những quốc gia với hệ thống y tế rất mỏng manh, những trường hợp khẩn cấp hoặc thảm họa có khả năng khiến virus lây lan nhanh chóng, điều đó sẽ làm cho tình hình vốn đã nghiêm trọng trở nên tồi tệ hơn”, ông John Fleming, giám đốc Hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.

Trang tin Matangi Tonga đưa tin cả hai trường hợp mắc COVID-19 đã được đưa đi cách ly. Tuy vậy, trong 36 người họ đã tiếp xúc, vợ và hai con của một người cũng cho kết quả xét nghiệm dương tính, trong khi những người còn lại cho kết quả âm tính.

“Ưu tiên cao nhất hiện nay là liên hệ chặt chẽ với những trường hợp mắc bệnh này và tìm hiểu xem họ đã tương tác với ai”, Bộ trưởng Y tế Tonga Saia Piukala nói.

Không rõ họ có thể đã tiếp xúc với bao nhiêu người, nhưng chính phủ đã công bố danh sách các địa điểm mà virus có thể đã lây lan, bao gồm một nhà thờ, một số cửa hàng, ngân hàng và một trường mẫu giáo.

Thủ tướng Siaosi Sovaleni nói với các phóng viên rằng "một số" trong số 5 người bị nhiễm bệnh đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và đang được cách ly tại một cơ sở y tế. Lệnh giãn cách xã hội cũng đã bắt đầu được áp dụng tại đây.

Hiện tại, nhà chức trách vẫn chưa biết loại virus nào đã đến được Tonga, cũng như nguồn gốc lây lan của nó.

Các thủy thủ trên tàu cứu trợ HMAS Adelaide của Australia đã báo cáo gần hai chục ca mắc COVID-19 sau khi bùng phát dịch bệnh trên tàu. Các thành viên phi hành đoàn trên các chuyến bay viện trợ từ Nhật Bản và Australia cũng báo cáo bị mắc bệnh.

Khoảng 61% người dân Tonga đã được tiêm chủng đầy đủ, theo Our World in Data, nhưng vì đất nước này chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp mắc COVID-19 nào trong cộng đồng nên sẽ không có miễn dịch tự nhiên và không rõ liệu các mũi vaccine này đã được tiêm cách đây đủ lâu hay chưa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn