MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Getty

Serbia giải thích lý do không tham gia trừng phạt Nga

Ngọc Vân LDO | 18/04/2022 18:12
Tổng thống Aleksandar Vucic nói rằng Serbia phải trả giá rất nhiều khi không tham gia trừng phạt Nga.

RT đưa tin, Tổng thống Aleksandar Vucic hôm 17.4 cho biết Serbia phải trả giá rất nhiều để bất chấp sức ép của phương Tây nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự của Mátxcơva ở Ukraina.

Ông Vucic tin rằng ông sẽ được phương Tây tôn vinh và ca ngợi như một anh hùng khi Serbia ủng hộ các biện pháp kinh tế chống lại Nga.

“Chúng tôi phải trả giá rất nhiều khi không tham gia trừng phạt Nga. Nhưng nếu tham gia, chúng tôi sẽ phải trả giá bằng nguyên tắc không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại bất kỳ ai, bởi vì chúng tôi biết từ kinh nghiệm của bản thân rằng các biện pháp trừng phạt là vô đạo đức và không hiệu quả” - Tổng thống Vucic nói với Pink TV.

“Họ đang nói rằng tôi là một người phản bội. Một người phản bội ư? Người duy nhất ở Châu Âu không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và từ một quốc gia nhỏ bé như vậy. Hãy gọi tôi bằng bất cứ điều gì các vị muốn, nhưng người dân đã thể hiện những gì họ nghĩ trong cuộc bầu cử” - ông Vuvic cho hay.

Tổng thống Vucic đã tái đắc cử với 58% phiếu bầu vào đầu tháng này. Ông liên tục nói rằng Serbia đã phải chịu áp lực nghiêm trọng và bị "tống tiền" để tham gia trừng phạt Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Ukraina vào ngày 24.2.

"Nếu tôi muốn trở thành anh hùng số một thế giới, chỉ cần nói điều gì đó chống lại ông Putin là đủ và mọi người sẽ trao giải thưởng cho tôi và gọi tôi là nhà dân chủ lớn nhất trên thế giới" - ông Vucic nói.

Tổng thống Vucic cũng cho biết việc cấm dầu khí Nga sẽ làm tê liệt nền kinh tế Serbia. "Chúng tôi phải đưa ra các quyết định có lợi cho công dân của Serbia" - ông Vucic khẳng định.

Tổng thống Vucic cũng cáo buộc Ukraina và một quốc gia EU giấu tên thực hiện một loạt vụ đe dọa đánh bom giả nhằm vào máy bay chở khách của hãng hàng không Air Serbia. Hơn một chục máy bay buộc phải quay trở lại Belgrade hoặc Mátxcơva, trong khi các chuyến bay khác bị hoãn, và sân bay Belgrade đã phải sơ tán ít nhất ba lần trong vài tuần qua. 

“Các cơ quan tình báo nước ngoài của hai quốc gia đang làm điều đó. Một là một nước thành viên EU, hai là Ukraina” - tổng thống nói.

Liên quân NATO ném bom vào Liên bang Nam Tư ngày 24.3.1999 và kéo dài chiến dịch trong suốt 78 ngày, gián tiếp dẫn tới sự tan rã của Nam Tư. Ảnh: Pinterest
 

Những lời đe dọa đánh bom bắt đầu sau khi Serbia từ chối ủng hộ lệnh cấm của EU đối với các chuyến bay của Nga. “Chúng tôi đang tiếp tục các chuyến bay này theo đúng nguyên tắc vì chúng tôi muốn chứng tỏ rằng chúng tôi là một quốc gia tự do và chúng tôi đưa ra quyết định của riêng mình. Đừng quyết định thay cho chúng tôi khi nào nên hủy chuyến bay” - Tổng thống Vucic nói.

“Bạn có hủy các chuyến bay của mình khi 19 quốc gia đang ném bom Serbia? Ít nhất 30 quốc gia - các nước thành viên NATO - đang giúp đỡ một quốc gia. Không ai giúp chúng tôi khi chúng tôi bị tấn công bởi 19 quốc gia mạnh nhất” - ông Vucic nói thêm, đề cập đến vụ ném bom Nam Tư năm 1999 của NATO.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn