MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khinh hạm Bayern của Đức cập cảng Nhà Rồng ngày 6.1.2022. Ảnh: ĐSQ Đức

Tàu chiến Đức sẽ diễn tập với Hải quân Việt Nam

Ngọc Vân LDO | 06/01/2022 16:28
Ngày 6.1, tàu chiến Đức Bayern đã cập cảng Nhà Rồng tại Thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ có cuộc diễn tập với Hải quân Việt Nam. 

Chào mừng tàu đến thăm Việt Nam có Đại sứ Đức tại Việt Nam, Tiến sĩ Guido Hildner, cán bộ Đại sứ quán Đức và Tổng Lãnh sự quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như đại diện Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Hải quân Việt Nam và Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Đại sứ Hildner phát biểu: "Chúng tôi vui mừng chào đón chuyến thăm đầu tiên của một tàu Hải quân Đức tại Việt Nam. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của Đức đối với mối quan hệ đối tác Đức - Việt, đồng thời giúp tăng cường mối quan hệ này. Chúng tôi hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực và chính sách an ninh là một trong số đó".

Khinh hạm Bayern cập cảng Nhà Rồng ngày 6.1. Ảnh: ĐSQ Đức

Sau khi rời cảng theo kế hoạch vào ngày 9.1, khinh hạm Bayern dự kiến sẽ có cuộc diễn tập PASSEX với Hải quân Việt Nam. Nội dung diễn tập có thể bao gồm các bài tập về thông tin liên lạc, điều hướng, di chuyển chiến thuật và tìm kiếm cứu nạn.

Chuyến thăm của khinh hạm Bayern là một phần trong hành trình huấn luyện và tăng cường hiện diện kéo dài 7 tháng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các chặng dừng cho đến nay là Pakistan, Australia, Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Sau Việt Nam sẽ là Sri Lanka và Ấn Độ.

Chào đón khinh hạm Bayern thăm Việt Nam. Ảnh: ĐSQ Đức

Đại sứ Hildner cho biết thêm: "Với hành trình rộng mở qua khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của khinh hạm Bayern, nước Đức muốn ghi nhận ý nghĩa ngày càng gia tăng của khu vực này. Chuyến hải trình là một bước triển khai cụ thể các Định hướng từ năm 2020 của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nước Đức cam kết thúc đẩy các nỗ lực của mình tại khu vực này".

Đại sứ quán Đức cho hay, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng trở thành trung tâm trọng lực về chính trị và kinh tế. Trong những năm tới, khu vực này sẽ có ảnh hưởng quyết định tới việc định hình trật tự quốc tế. Chính vì vậy, Định hướng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ giới hạn ở các thách thức liên quan đến chính sách an ninh mà còn đặt ra các trọng tâm khác như đa dạng hóa các đối tác kinh tế cũng như tăng cường luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu và hợp tác an ninh trong khu vực.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tàu Hải quân Đức. Ảnh: ĐSQ Đức

"Qua hành trình của khinh hạm, nước Đức muốn tăng cường sự hợp tác với các đối tác quan trọng cũng như khẳng định trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đặc biệt là giá trị pháp lý của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Qua hành trình của chiến hạm Bayern, nước Đức muốn nhấn mạnh giá trị pháp lý mang tính phổ quát của Công ước này cũng như ý nghĩa của tự do hàng hải. Đi qua Biển Đông là một phần trọng tâm của chuyến hành trình này" - Đại sứ Hildner khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn