MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Đức dự hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: AFP

Thượng đỉnh G7 bàn nhiều chuyện đại sự liên quan Nga-Ukraina

Ngọc Vân LDO | 26/06/2022 17:36
Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc tại Đức ngày 26.6, tập trung bàn thảo một loạt chủ đề nóng liên quan cuộc xung đột Nga-Ukraina và cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực thế giới.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz chào đón lãnh đạo nhóm G7 đến Đức dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày - vốn được cho là sẽ bị chi phối bởi xung đột Nga-Ukraina, Reuters đưa tin. Các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Mátxcơva, các giải pháp ngoại giao khả thi và liệu có áp dụng giá trần đối với dầu của Nga hay không, đều được đưa vào chương trình nghị sự.

Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới G7 bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản. Các quan chức EU cũng thường tham gia các sự kiện của G7.

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của G7 kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina vào cuối tháng 2. Các thành viên G7 sau đó đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga trong bối cảnh nhiều nước G7 đang cung cấp vũ khí cho Ukraina, bao gồm cả hệ thống tên lửa phóng loạt và các loại vũ khí hạng nặng khác.

Theo RT, các nhà lãnh đạo dự kiến ​​sẽ phối hợp gây áp lực hơn nữa đối với Nga và tăng hỗ trợ cho Ukraina. Trước hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo rằng Washington sẽ tiếp tục thảo luận về “các chiến lược ngoại giao” với Ukraina và các đối tác khác.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Johnson Boris kêu gọi G7 và NATO không thúc ép Ukraina “đạt được thoả thuận hòa bình tồi tệ”, nếu điều này sẽ liên quan đến việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.

Tạp chí Politico gần đây đưa tin, các nước phương Tây đang ngày càng thất vọng về việc các lệnh cấm đối với dầu của Nga đã làm tăng giá xăng dầu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đề xuất áp đặt giá trần với dầu thô nhập khẩu của Nga để giải quyết việc tăng giá và cắt giảm nguồn thu của Mátxcơva. Tạp chí cho biết đề xuất này nằm trong chương trình nghị sự của G7.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân tới Đức dự hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: AFP
 

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đổ lỗi cho sự gia tăng lạm phát toàn cầu là do các chính sách kinh tế "vô trách nhiệm" của các thành viên G7.

Ngoài xung đột Ukraina và cuộc khủng hoảng năng lượng, Reuters cho biết, G7 cũng sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng lương thực. Ngày 24.6, Liên Hợp Quốc cảnh báo thế giới đang đối mặt nạn đói chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh đó, G7 cũng sẽ thảo luận về các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. 

Các thách thức khí hậu toàn cầu cũng được mong đợi sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo G7. “Chúng tôi muốn làm việc cùng nhau để chống lại sự nóng lên toàn cầu, đạt được sự chuyển đổi công nghiệp theo hướng trung hòa carbon và vẫn có việc làm tốt trên toàn thế giới” - Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trước hội nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn