MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Putin bày cách thoát khủng hoảng toàn cầu

Song Minh LDO | 24/06/2022 07:09
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng chỉ có hợp tác trung thực mới là chìa khóa để vượt qua khủng hoảng toàn cầu.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) hôm 23.6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết những nỗ lực ích kỷ của phương Tây nhằm đổ lỗi cho toàn thế giới về những sai lầm của chính họ đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Chỉ trên cơ sở hợp tác trung thực và cùng có lợi thì mới có thể tìm ra cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng vốn đang đeo bám nền kinh tế toàn cầu do những hành động thiếu suy nghĩ và ích kỷ của một số quốc gia gây ra” - RT dẫn lời ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng ngày nay, hơn bao giờ hết, sự lãnh đạo của các nước BRICS là cần thiết để phát triển một chính sách thống nhất nhằm hình thành một hệ thống quan hệ liên chính phủ đa cực thực sự và nó phải dựa trên các chuẩn mực được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Theo ông Putin, các quốc gia BRICS có tiềm lực chính trị, kinh tế, khoa học, công nghệ và con người thực sự to lớn. Ảnh hưởng của khối trên toàn cầu đang tăng lên theo từng năm, ông chỉ ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trực tuyến tại hội nghị BRICS. Ảnh: AFP

“Nga sẵn sàng tiếp tục phát triển mối quan hệ tương tác nhiều mặt chặt chẽ với tất cả các đối tác BRICS và đóng góp vào việc nâng cao vai trò của Mátxcơva trong các vấn đề quốc tế” - ông Putin cam kết. “Chúng ta có mọi thứ cần thiết để làm việc cùng nhau và đạt được kết quả nhằm đảm bảo ổn định và an ninh toàn cầu, tăng trưởng bền vững và thịnh vượng cũng như hạnh phúc tốt hơn cho người dân của chúng ta”.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 của BRICS do Trung Quốc - nước giữ chức chủ tịch luân phiên của BRICS - tổ chức. Hoàn cầu Thời báo cho hay, truyền thông phương Tây đưa tin hội nghị thượng đỉnh BRICS từ một góc độ đặc biệt, chẳng hạn như nói rằng một nước Nga "bị cô lập" đã xuất hiện tại một sự kiện đa phương với các nền kinh tế lớn khác lần đầu tiên kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Và khi các quốc gia phương Tây tìm cách trừng phạt Nga về kinh tế, Nga đã ưu tiên thương mại với các quốc gia bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, để giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt này.

Theo Tuyên bố Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo BRICS cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Ukraina và nhắc lại các lập trường quốc gia của chúng tôi như đã được bày tỏ tại các diễn đàn thích hợp, đó là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Chúng tôi ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraina”.

Lãnh đạo 5 nước BRICS dự hội nghị thượng đỉnh ngày 23.6.2022. Ảnh: Xinhua

Feng Xingke - Tổng thư ký Diễn đàn Tài chính Thế giới và Giám đốc Trung tâm BRICS và Quản trị Toàn cầu - nói với Hoàn cầu Thời báo rằng BRICS có lập trường rất giống các nước về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina, mặc dù họ không có chung hệ tư tưởng và có không có hiệp ước liên minh nào như NATO, và không thực hiện bất kỳ sự phối hợp cụ thể nào trước khi công bố lập trường của mình, điều này "chứng tỏ rằng BRICS thực sự đại diện cho lập trường của các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi."

Sau khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina bắt đầu, việc phương Tây lạm dụng các biện pháp trừng phạt Nga đã hủy hoại hoàn toàn và làm gián đoạn trật tự kinh tế toàn cầu, đồng thời kéo theo lạm phát toàn cầu và tăng giá ở nhiều mặt hàng, gây thiệt hại cho tất cả mọi người, kể cả chính Mỹ - chuyên gia cho biết.

"Trung Đông và Các nước Châu Phi như Ai Cập đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, và tỷ lệ lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đã lên tới 50%. Đây đều là những vấn đề nghiêm trọng mà cộng đồng quốc tế không nên bỏ qua” - ông Feng nói.

Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng Ukraina ảnh hưởng đến nhiều vấn đề ở các nước đang phát triển, nhưng cộng đồng quốc tế dành ít sự quan tâm và hỗ trợ hơn cho các nước đang phát triển ở các khu vực như Châu Phi và Trung Đông.

Điều này có nghĩa rằng BRICS là một tổ chức được thành lập bởi các nền kinh tế lớn sẽ chú ý đến những vấn đề này, vì có nhiều nước đang phát triển đã được đưa vào nền tảng BRICS+ và việc cố gắng mang lại sự phục hồi toàn cầu mà không giải quyết các vấn đề ở các nước đang phát triển sẽ không thành công, các chuyên gia lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn