MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố đánh giá mới nhất về nền kinh tế thế giới vào ngày 19.4. Ảnh chụp màn hình

Triển vọng kinh tế toàn cầu trước biến số khó lường từ chiến sự Nga-Ukraina

Thanh Hà LDO | 20/04/2022 10:44
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chiến sự Ukraina sẽ cản trở sự phục hồi toàn cầu sau dịch COVID-19. 

Triển vọng kinh tế toàn cầu đã "xấu đi đáng kể" kể do chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraina và các lệnh trừng phạt của phương Tây, theo đánh giá mới nhất về nền kinh tế thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố ngày 19.4. 

Chiến sự Ukraina không phải là rủi ro duy nhất với tăng trưởng kinh tế: IMF cảnh báo về những nút thắt mới tiềm tàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu do các đợt phong tỏa gần đây ở Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng lạm phát cao hơn đã khiến nhiều quốc gia phải siết chặt chính sách tiền tệ.

“Rủi ro tổng thể với triển vọng kinh tế đã tăng mạnh và sự đánh đổi chính sách trở nên thách thức hơn bao giờ hết” - Cố vấn Kinh tế IMF Pierre-Olivier Gourinchas viết trong mở đầu báo cáo.

“Trong vài tuần, thế giới lại phải trải qua một cú sốc lớn, có tính chất biến đổi. Cũng giống như sự phục hồi lâu dài từ sự sụp đổ kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra đã xuất hiện trong tầm mắt, chiến sự đã tạo ra viễn cảnh rất thực tế rằng một phần lớn những thành quả đạt được gần đây sẽ bị xóa bỏ” - ông Gourinchas nói. 

Theo IMF, chiến sự Ukraina sẽ cản trở phục hồi toàn cầu từ COVID-19. IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 3,6% trong năm 2022 và 2023 - giảm lần lượt 0,8 và 0,2% so với dự báo hồi tháng 1.

Tổ chức này dự báo tăng trưởng 2,9% ở Liên minh Châu Âu trong năm nay, thấp hơn 1,1% so với dự báo hồi tháng 1. Mức tăng trưởng của Mỹ cho năm 2022 được dự báo là 3,7%, giảm từ mức 4% vào tháng Giêng. Theo IMF, nền kinh tế Nga sẽ giảm 8,5%. Sản lượng của Trung Quốc dự kiến tăng 4,4% trong năm nay, giảm so với mức 4,8% dự báo vào tháng Giêng.

Chiến sự làm trầm trọng thêm sức ép lạm phát, đe dọa nguồn cung các mặt hàng chủ đạo. Nga là nhà cung cấp dầu và kim loại chính, đồng thời Nga và Ukraina cùng là nhà cung cấp lúa mì và ngô - những mặt hàng có giá tăng mạnh sau chiến sự. 

“Ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, việc tăng giá lương thực và nhiên liệu có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bất ổn xã hội” - IMF cảnh báo. 

IMF cũng cảnh báo tác động nhân đạo lâu dài hơn của chiến sự Ukraina cũng có thể gây thêm bất ổn khi “dòng người tị nạn lớn có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội và tình trạng bất ổn hiện có". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn