MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Ukraina Ruslan Stefanchuk trong chuyến thăm Đức. Ảnh: Quốc hội Ukraina

Ukraina ngỏ ý muốn Đức cấp tàu ngầm

Hải Anh LDO | 05/06/2022 15:04
Chủ tịch Quốc hội Ukraina Ruslan Stefanchuk tuyên bố trong chuyến thăm Đức rằng, Berlin có thể cung cấp cho Kiev tàu ngầm. 

Phát biểu trước cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, người đứng đầu quốc hội Ukraina nhấn mạnh, “việc cung cấp các thiết bị hiện đại nhất cho Ukraina” và ra quyết định nhanh chóng về vấn đề này sẽ mang lại “chiến thắng chung” tới gần hơn.

Ông Stefanchuk bày tỏ hy vọng các hệ thống tên lửa đất đối không IRIS-T sẽ được chuyển giao nhanh chóng cho Ukraina.

“Tôi không loại trừ việc nhận tàu ngầm từ Đức, bởi vì chúng tôi sẵn sàng trở thành biên giới phòng thủ phía đông cho cả Châu Âu" - ông nói. 

Bà Lambrecht tuyên bố, Đức “sẽ tiếp tục làm mọi thứ để hỗ trợ Ukraina, không chỉ vào thời điểm này mà còn về lâu dài”.

Tóm tắt kết quả chuyến thăm Đức trong cuộc phỏng vấn với Welt TV, ông Stefanchuk nhắc lại,  trên hết, Kiev cần vũ khí hiện đại. “Chúng tôi cũng có thể chiến đấu với vũ khí cũ từ kho cũ, nhưng vũ khí mới hiệu quả hơn" - ông nói. 

Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk nói thêm, Ukraina mong đợi Đức cung cấp xe bọc thép Marder và xe tăng Leopard, điều mà Bộ trưởng Ngoại giao Ukraina Dmitry Kuleba đã mô tả vào tháng trước là “giấc mơ” của Kiev.

Xe tăng có trang bị pháo phòng không Gepard mà Đức sẽ cấp cho Ukraina. Ảnh: AFP

Chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraina khiến Đức từ bỏ chính sách chống vận chuyển vũ khí vào các khu vực xung đột và sau đó đảo ngược lập trường không cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.

Trong diễn biến khác, ngày 3.6, Thụy Sĩ phán quyết việc vận chuyển vũ khí có các thành phần do Thụy Sĩ sản xuất đến Ukraina không vi phạm tính trung lập hàng thế kỷ của nước này nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định. 

“Việc chuyển giao vật liệu chiến tranh dưới dạng các bộ phận lắp ráp hoặc phụ tùng cho các công ty vũ khí Châu Âu sẽ vẫn có thể thực hiện được, ngay cả khi vật liệu chiến tranh được sản xuất có khả năng được gửi tới Ukraina" - chính phủ Thụy Sĩ cho biết. 

Các quan chức làm rõ thêm, việc tái xuất vũ khí được phép nếu tỉ lệ các thành phần do Thụy Sĩ sản xuất trong sản phẩm cuối cùng thấp hơn một ngưỡng nhất định, chẳng hạn như 50%, với các nước như Italia và Đức.

Tuy nhiên, việc tái xuất vũ khí và đạn dược hoàn toàn do Thụy Sĩ sản xuất vẫn sẽ vi phạm tính trung lập của quốc gia Châu Âu này. Thụy Sĩ gần đây đã từ chối yêu cầu của Đan Mạch về cung cấp cho Ukraina 22 xe chiến đấu bọc thép Piranha III do Thụy Sĩ sản xuất, cũng như yêu cầu của Berlin về cung cấp cho Kiev 12.400 viên đạn do Thụy Sĩ sản xuất được sử dụng trong xe tăng phòng không Gepard.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn