MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky thị sát vũ khí phòng không trong một cuộc tập trận. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraina

Ukraina quyết mua vũ khí đến đồng cuối cùng, Nga cảnh báo tấn công

Ngọc Vân LDO | 13/03/2022 10:16
Ukraina tuyên bố sẵn sàng đi vay hoặc chi "khoản tiền cuối cùng" từ ngân sách để mua vũ khí phòng không. Trong khi đó, Nga cảnh báo tấn công đoàn xe chở vũ khí phương Tây đến Kiev.

Tại cuộc họp báo quốc tế hôm 12.3, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraina đang rất cần vũ khí phòng không để đáp trả cuộc tấn công của Nga. Kiev đã nghiên cứu sâu rộng và xác định chính xác có thể mua các hệ thống như vậy ở những quốc gia nào.

“Có những hệ thống phòng thủ tên lửa có thể được lắp đặt trong nước. Ukraina đã xác định chúng đang ở đâu trên khắp thế giới. Kiev sẵn sàng mua các hệ thống như vậy từ bất kỳ ai sẵn sàng cung cấp, bất kể chi phí là bao nhiêu" - RT dẫn lời ông Zelensky nói.

Tổng thống Zelensky tiếp tục chỉ trích phương Tây vì không lập vùng cấm bay ở Ukraina để chống lại cuộc tấn công quân sự đang diễn ra của Nga. Một số chính trị gia ở phương Tây sẽ bác bỏ ý tưởng này cho đến khi một quả bom tấn công quán cà phê họ đang ngồi - ông Zelensky nói.

Mặc dù Kiev nhiều lần thúc giục liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu áp đặt vùng cấm bay, song khối này vẫn bác bỏ, cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào để thực thi vùng cấm bay đều có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga.

Trong khi đó, phương Tây đang tăng cường giao vũ khí cho Ukraina, bao gồm các hệ thống phòng không hạng nhẹ, cụ thể là Stinger MANPAD do Mỹ sản xuất, cũng như tên lửa Strela do Liên Xô thiết kế, vẫn được một số quốc gia Châu Âu dự trữ.

Vũ khí chống giáp do Anh cung cấp đến Kiev, Ukraina, ngày 18.1.2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraina

Ngày 12.3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, việc cung cấp vũ khí cho Ukraina chỉ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột giữa Mátxcơva và Kiev, đồng thời cảnh báo rằng, các lực lượng Nga có thể nhắm mục tiêu vào những chuyến giao hàng như vậy.

“Chúng tôi đã cảnh báo Mỹ, việc trang bị vũ khí cho Ukraina từ một số quốc gia do Washington điều phối không chỉ là một động thái nguy hiểm mà còn khiến các đoàn xe chở vũ khí này trở thành mục tiêu hợp pháp” - ông Ryabkov nói với Kênh Một của Nga. Ông không nói rõ Nga có thể nhắm mục tiêu vào các đoàn xe ở đâu và khi nào.

Thứ trưởng Ryabkov cũng cảnh báo, việc “chuyển giao vô tâm vũ khí nguy hiểm” như tên lửa phòng không di động và chống tăng có thể gây ra mối đe dọa cho chính các quốc gia phương Tây.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bày tỏ lo ngại về việc các loại vũ khí như vậy "vào tay kẻ xấu" sau khi xung đột kết thúc. Ông nói thêm, tên lửa phòng không di động có thể gây ra rủi ro đặc biệt cho hàng không dân dụng trên bầu trời Ukraina hoặc Châu Âu trong nhiều năm tới.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ryabkov cho rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraina khiến vị thế đàm phán của Washington trở nên yếu hơn trong quan hệ với Mátxcơva. Ông nói, tất cả những lời kêu gọi chấm dứt xung đột của Mỹ “không được coi là tín hiệu nghiêm túc”, đồng thời bổ sung rằng “chính sách leo thang” hiện “thống trị hoàn toàn” chương trình nghị sự của Washington, bất chấp những câu thần chú về việc thực hiện cách tiếp cận có tính toán.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cáo buộc “chính Mỹ là nguồn gốc chủ chốt của căng thẳng quốc tế”.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Mátxcơva cáo buộc Kiev không thực hiện các thỏa thuận Minsk để giải quyết xung đột với hai khu vực ly khai ở Donbass, miền đông Ukraina. Nga bắt đầu chiến dịch vào ngày 24.2, nhằm mục đích "phi quân sự hóa" Ukraina dưới danh nghĩa bảo vệ người dân của các nước cộng hòa Donbass, mà Nga hiện công nhận là độc lập.

Kiev đã cho rằng, hoạt động của Nga là một hành động gây hấn hoàn toàn vô cớ và tiếp cận Mỹ và các đồng minh để xin viện trợ. Tổng thống Volodymyr Zelensky yêu cầu phương Tây cung cấp máy bay quân sự mà phi công Ukraina có thể bay, cũng như các loại vũ khí khác.

Các quốc gia phương Tây lên án chung hành động quân sự của Mátxcơva, giáng đòn trừng phạt Nga chưa từng có và hứa viện trợ quân sự hào phóng cho Ukraina. Riêng Mỹ đã ủy quyền một lô hàng viện trợ quân sự trị giá 350 triệu USD cho Ukraina vào tháng trước. Đức, Hà Lan, Ba Lan và Slovakia cũng hứa cung cấp vũ khí cho Ukraina, bao gồm tên lửa chống tăng và pháo tự hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn