MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng dầu thế giới tăng cao, trong đó có Việt Nam. Ảnh: LDO

"Vị cứu tinh" đầu tiên có khả năng hạ nhiệt giá xăng dầu thế giới

Ngọc Vân LDO | 10/03/2022 09:27
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE có thể là "vị cứu tinh" đầu tiên hạ nhiệt giá xăng dầu thế giới.

UAE gợi ý tăng sản lượng dầu

Thị trường dầu mỏ đang sôi sục trong khi rất ít nhà sản xuất sẵn sàng - hoặc có thể - thay thế các thùng dầu của Nga bị Mỹ cấm và bị các nước khác xa lánh. Tuy nhiên, UAE có thể giải cứu.

Đại sứ UAE tại Washington, Yousef Al Otaiba, nói với CNN hôm 9.3 rằng nước này muốn tăng sản lượng dầu và sẽ khuyến khích tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng cường cung cấp.

Bình luận của Đại sứ Otaiba đã khiến giá dầu lao dốc hôm 9.3. Giá dầu WTI giảm 12%, xuống dưới 109 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 13% xuống 111 USD/thùng. Đây là sự sụt giảm trong một ngày mạnh nhất của hai chỉ số giá dầu này trong gần hai năm qua.

Nếu UAE thuyết phục các đối tác của mình tăng nguồn cung, sẽ đánh dấu một sự thay đổi đối với OPEC. Trong cuộc họp tuần trước với các nhà sản xuất đồng minh, OPEC+ nhất trí giữ nguyên kế hoạch bổ sung dầu dần dần vào thị trường, bất chấp sức ép từ các nền kinh tế phát triển đòi tăng nguồn cung hơn nữa để giảm giá dầu.

Giá dầu giảm hôm 9.3 sau khi UAE nói có thể tăng sản lượng dầu. Ảnh: Getty

Một chìa khóa cho tổ chức do Saudi Arabia dẫn đầu: Nga là một trong những nhà sản xuất đồng minh của OPEC+.

Hôm 2.3, OPEC+ tuyên bố sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 4 - một phần nhỏ trong sản lượng 10 triệu thùng/ngày của Nga. OPEC+ cho rằng thị trường đang "cân bằng", mặc dù giá dầu đã tăng 30% trong hai tuần qua.

Robert Yawger, phó chủ tịch phụ trách năng lượng tương lai của Mizuho Securities, nói với CNN: "UAE đã bật đèn xanh. Họ là một trong những nước nắm giữ quyết định cuối cùng. Bây giờ họ đã nói như vậy thì có thể mong đợi Saudi Arabia sẽ nói điều tương tự".

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 9.3 đã cấm nhập khẩu dầu khí Nga, nhưng Châu Âu - khu vực nhập khẩu nhiều năng lượng từ Nga hơn Mỹ, thì không. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga và lo ngại về khả năng vận chuyển dầu của Mátxcơva không khác gì lệnh cấm với ngành năng lượng Nga, làm giảm đáng kể lượng dầu Nga cung cấp cho thị trường toàn cầu.

Phương Tây đã hy vọng họ có thể bổ sung dầu từ các nguồn khác, bao gồm từ các thành viên OPEC là Iran và Venezuela.

Trước khi các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Iran, nước này sản xuất khoảng 4 triệu thùng mỗi ngày. Nhưng việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran đã được chứng minh là không dễ. Mỹ cũng đã bắt đầu các cuộc thảo luận với Venezuela, quốc gia giàu dàu mỏ bị trừng phạt vào năm 2019. Nhưng quốc gia Nam Mỹ suy sụp về kinh tế đã không sản xuất nhiều dầu ngay cả trước khi có lệnh cấm.

Ngược lại, OPEC có khả năng tăng nhanh nguồn cung do Saudi Arabia và UAE có năng lực sản xuất dư thừa.

Đại sứ Otaiba cho biết: “Chúng tôi ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét mức sản xuất cao hơn".

Bộ Năng lượng UAE chưa đưa ra tuyên bố, nhưng bình luận của ông Otaiba sau đó đã được đại sứ quán UAE tại Washington đăng trên Twitter. Động thái này đánh dấu gợi ý đầu tiên rằng một quốc gia OPEC có thể sẵn sàng giữ cho giá dầu không tăng cao ngoài tầm kiểm soát. Một số nhà kinh tế lo ngại rằng cánh tài xế, hành khách đi máy bay và các doanh nghiệp có thể bắt đầu thay đổi hành vi mua hàng nếu giá dầu tăng cao hơn nữa, có khả năng gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Đại sứ Otaiba nói: “UAE đã là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và có trách nhiệm cho các thị trường toàn cầu trong hơn 50 năm và tin rằng sự ổn định trên thị trường năng lượng là rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu”.

OPEC có thể tăng sản lượng dầu. Ảnh: Getty

Châu Âu sẽ không còn dựa vào Nga

Sự thay đổi từ OPEC có thể xuất phát từ cảm giác về một cơ hội duy nhất. Nó có thể khiến Châu Âu ngừng mua dầu của Nga và tiếp tục mua dầu thô của OPEC.

“UAE về cơ bản đang nói với Saudi Arabia và Kuwait rằng: Hãy sử dụng năng lực dự phòng của chúng ta để Châu Âu không còn phải phụ thuộc vào Nga nữa. Đây là một sự thay đổi 180 độ" - Andy Lipow, chủ tịch của công ty tư vấn Lipow Associates nói, đề cập đến cách giải thích của thị trường đối với lập trường của OPEC.

Lipow nói thêm rằng các nhà lãnh đạo OPEC có khả năng nhớ lại những gì đã xảy ra vào năm 2008 khi dầu tăng vọt trên 145 USD/thùng và sụp đổ vài tháng sau đó khi nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Giá dầu giảm mạnh cải thiện triển vọng về giá xăng tại quầy. Giá xăng trung bình ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 4,25 USD/gallon (3.78 lít) hôm 9.3, tăng đáng kinh ngạc 60 cent trong một tuần.

Thay vì chạm mức 4,50 USD/gallon, Lipow cho biết giá dầu hiện tại cho thấy mức trung bình giá xăng trên toàn nước Mỹ có thể đạt khoảng 4,35 USD/gallon.

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn