MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021. Ảnh chụp màn hình

Việt Nam tăng điểm trong xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng 2021

Song Minh LDO | 26/01/2022 10:31

Ngày 25.1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021, theo đó Việt Nam tăng 3 điểm so với năm 2020.

Từ năm 1995, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố chỉ số CPI hàng năm. Đây là chỉ số toàn cầu hàng đầu về tham nhũng trong khu vực công, cung cấp một cái nhìn tổng thể hàng năm về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điểm số càng cao có nghĩa là càng minh bạch và ít tham nhũng hơn.

Chỉ số cho điểm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới dựa trên nhận thức về tham nhũng trong khu vực công, sử dụng dữ liệu từ 13 nguồn bên ngoài, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn và các tổ chức khác. Điểm số phản ánh quan điểm của các chuyên gia và giới kinh doanh.

Chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt Nam trong giai đoạn 2012-2021. Ảnh chụp màn hình

Chỉ số CPI của Việt Nam trong năm 2021 là 39/100 điểm, tăng 3 điểm từ mức 36/100 điểm năm 2020, xếp thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng chỉ số CPI cao nhất của Việt Nam trong giai đoạn từ 2012-2021. Trong 10 năm này, nhìn chung chỉ số CPI của Việt Nam được cải thiện từ mức thấp nhất là 30 điểm trong năm 2012 lên 39 điểm trong năm 2021.

Chỉ số CPI xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ theo mức độ nhận thức của họ về tham nhũng trong khu vực công trên thang điểm từ 0 (tham nhũng cao) đến 100 (rất minh bạch).

Chỉ số CPI trung bình toàn cầu không thay đổi ở mức 43 trong năm thứ 10 liên tiếp và 2/3 số quốc gia và vùng lãnh thổ đạt điểm dưới 50.

Các quốc gia đứng đầu trong Chỉ số CPI năm 2021 là Đan Mạch (88), Phần Lan (88) và New Zealand (88).

Somalia (13), Syria (13) và Nam Sudan (11) vẫn ở cuối bảng CPI.

27 quốc gia - trong số đó có Síp (53), Lebanon (24) và Honduras (23) - đều ở mức thấp lịch sử trong năm nay.

Trong thập kỷ qua, 154 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giảm hoặc không đạt được tiến bộ đáng kể.

Kể từ năm 2012, 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giảm đáng kể về chỉ số CPI - bao gồm các nền kinh tế tiên tiến như Australia (73), Canada (74) và Mỹ (67). Năm nay lần đầu tiên Mỹ rơi khỏi top 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có chỉ số CPI cao nhất.

25 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cải thiện đáng kể điểm số của họ, bao gồm Estonia (74), Seychelles (70) và Armenia (49).

Các nước suy giảm đáng kể về chỉ số CPI trong 10 năm qua

Australia, Bosnia và Herzegovina, Botswana, Canada, Chile, Síp, Guatemala, Honduras, Hungary, Lebanon, Liberia, Luxembourg, Mali, Mông Cổ, Nicaragua, Philippines, Ba Lan, Saint Lucia, Nam Sudan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Venezuela.

Các nước cải thiện đáng kể trong 10 năm qua

Afghanistan, Angola, Armenia, Áo, Belarus, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Estonia, Ethiopia, Hy Lạp, Guyana, Italia, Latvia, Moldova, Myanmar, Nepal, Paraguay, Senegal, Seychelles , Hàn Quốc, Tanzania, Timor-Leste, Ukraina, Uzbekistan và Việt Nam.

27 quốc gia có số điểm thấp nhất kể từ năm 2012 - năm đầu tiên công bố CPI

Australia, Bỉ, Botswana, Canada, Comoros, Cyprus, Dominica, Eswatini, Honduras, Hungary, Israel, Lebanon, Lesotho, Mông Cổ, Hà Lan, Nicaragua, Niger, Nigeria, Philippines, Ba Lan, Serbia, Slovenia, Nam Sudan, Thụy Sĩ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn