MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xung đột Nga-Ukraina: Kinh tế Mỹ hưởng lợi?

Nguyễn Hạnh LDO | 04/03/2022 19:21
Nền kinh tế Mỹ đang gặt hái nhiều lợi ích từ cuộc xung đột Nga-Ukraina.

Theo Hoàn cầu Thời báo, Mỹ và một số nước phương Tây hôm 27.2 đã công bố một loạt lệnh trừng phạt chống lại Nga, làm rung chuyển chứng khoán, tiền tệ và thị trường toàn cầu. Tâm lý ngại rủi ro của thị trường vốn tăng mạnh với dòng vốn chảy vào Mỹ. Các nhà phân tích tài chính quốc tế lưu ý rằng, trên mặt trận tiền tệ, USD hiện là "vua", có thể cung cấp thanh khoản và phòng ngừa rủi ro cùng một lúc.

Hoàn cầu Thời báo cho rằng xung đột Nga-Ukraina dường như hoàn toàn liên quan đến lợi ích của Mỹ. Người hưởng lợi từ tất cả những bất ổn hiện nay trên thị trường toàn cầu là Mỹ.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng đã làm tăng đáng kể lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ sang Châu Âu, nơi từng mua hơn 40% khí đốt từ Nga. Năm 2021, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang EU lên tới 192,6 tỉ m3, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Khí đốt chủ yếu được cung cấp bằng đường ống qua Ukraina và đường ống Nord Stream 1. Cả hai đều đã bị cắt sau khi xung đột nổ ra. Ngoài ra, thỏa thuận về đường ống Nord Stream 2 hiện đã kết thúc.

Cộng với lệnh trừng phạt loại một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống SWIFT, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Châu Âu sẽ giảm mạnh và Mỹ - quốc gia đã ghi nhận sản lượng khí đốt tăng đột biến trong những năm gần đây - sẵn sàng lấp đầy khoảng trống.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng sẽ củng cố đồng USD và thu hút dòng vốn toàn cầu. Tất cả các cuộc khủng hoảng địa chính trị do Mỹ thúc đẩy trong hai thập kỷ qua đã củng cố đồng tiền của họ. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraina, giá trị của đồng USD sẽ được nâng cao, khiến Mỹ trở thành một "thánh địa tài chính" vì Châu Âu không còn an toàn nữa.

Thứ ba, cuộc khủng hoảng đã làm gián đoạn thương mại song phương giữa Nga và EU - đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Khi các thành viên EU tham gia trừng phạt Nga và một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT, thương mại song phương sẽ thu hẹp đáng kể, đây chính là điều mà Mỹ cần.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng cũng có thể mang lại lợi ích to lớn cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của Mỹ. Khi xung đột diễn ra, Mỹ, Đức và các nước NATO khác cung cấp vũ khí cho Ukraina. Và quan trọng hơn, nó đã tạo ra mối lo ngại lớn giữa các nước Châu Âu về an ninh của lục địa này, sau đó làm gia tăng sự phụ thuộc của họ vào NATO, và cuối cùng là vào Mỹ.

Hiện tại, phía Nga và Ukraina đã bắt đầu đàm phán và người ta hy vọng một thỏa thuận hòa bình cân bằng, có tính đến lợi ích an ninh của tất cả các bên, có thể sớm đạt được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn